COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới

Thanh Hiệp - Trung tâm Tin tức VTV24-Chủ nhật, ngày 23/02/2020 06:43 GMT+7

(Ảnh: Getty)

VTV.vn - Dịch COVID-19 có thể khiến ngành hàng không tổn thất doanh thu lên tới 29,3 tỷ USD, và nhu cầu hành khách sụt giảm 13%.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đã và đang khiến hàng nghìn chuyến bay bị hủy, thổi bay hàng tỷ USD của ngành hàng không toàn cầu. Và nhiều khả năng, dịch bệnh này sẽ buộc các hãng bay trên thế giới phải đối mặt với năm tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 tới nay.

Năm tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008-2009?

Hiệp hội Vân tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố những đánh giá ban đầu về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới ngành hàng không toàn cầu trong năm 2020. Theo đó, tổn thất doanh thu có thể lên tới 29,3 tỷ USD, và nhu cầu hành khách sụt giảm 13%. Các hãng hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tổn thất tới 27,8 tỷ USD doanh thu, còn với các hãng bay bên ngoài khu vực này, con số sẽ là khoảng 1,5 tỷ USD. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là các hãng hàng không đăng ký hoạt động tại Trung Quốc, với thiệt hại 12,8 tỷ USD chỉ tính riêng tại thị trường nội địa nước này.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 1.

Nghành hàng không thế giới "lãnh đủ" vì dịch COVID-19

Ông Alexandre de Juniac, giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) bày tỏ lo ngại: "Các hãng hàng không đang đưa ra những quyết định khó khăn về việc cắt giảm số chuyến bay, hoặc thậm chí là ngừng hẳn một số tuyến bay. Chi phí nhiên liệu thấp hơn sẽ giúp bù đắp một số tổn thất về doanh thu. Đây sẽ là một năm rất khó khăn với các hãng bay".

IATA cho rằng giữa bối cảnh lượng khách du lịch giảm mạnh do lo ngại lây nhiễm COVID-19, ngành hàng không toàn cầu có thể chứng kiến sự suy giảm nhu cầu của hành khách là 0,6% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 4,1% như dự báo được đưa ra trước đó. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên ngành hàng không phải đối mặt với tình trạng này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009.

Thị trường hàng không Trung Quốc "bay hơi"

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường hàng không lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, và là nơi quyết định sự tăng trưởng của hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới. Các hãng đều đã mở các đường bay thẳng đến Trung Quốc, có những hãng thực hiện tới vài chục chuyến mỗi tuần. Ví dụ American Airlines thường có 28 chuyến bay tuyến Mỹ-Trung mỗi tuần. Chính vì lý do này, các hãng càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 2.

Các hãng hàng không Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 (Ảnh minh họa)

Một số hãng của Trung Quốc, cũng là những tên tuổi trên trường quốc tế, đã buộc phải cắt giảm dịch vụ bay từ khoảng một tháng nay vì COVID-19. Theo tính toán của công ty dữ liệu hàng không OAG, với việc hàng triệu người Trung Quốc đang bị cấm bay và rất nhiều người khác cũng tạm ngừng bay, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã gần như không có.

Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết tính tới ngày 17/2 vừa qua, số lượng hành khách trung bình mỗi ngày giảm 91%. Tính đến ngày 14/2, các hãng hàng không của Trung Quốc đã phải bồi hoàn tiền vé cho khách bị hủy chuyến số tiền lên tới 2,85 tỷ USD. Theo OAG, tình trạng hủy chuyến hàng loạt đã đẩy thị trường hàng không Trung Quốc từ vị trí thứ 3 thế giới tụt xuống thứ 25, đứng sau Bồ Đào Nha.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 3.

Hình ảnh hủy chuyến bay hàng loạt tại Trung Quốc

"Không có sự kiện nào mà chúng tôi nhớ có tác động tàn phá đến năng lực chuyên chở như COVID-19", ông John Grant, nhà phân tích cao cấp tại OAG, nhận định. Tờ Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Paul Yong, nhà phân tích tại Ngân hàng DBS (Singapore) cho biết, ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số hãng nhỏ hơn sẽ phải vật lộn để duy trì hoạt động trong thời gian dài.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 4.

Trên một chuyến bay của hãng hàng không Hainan Airlines

Theo vị chuyên gia này, hãng hàng không Hainan Airlines đang đặc biệt dễ bị tổn thương bởi chuyện nợ nần của công ty mẹ, HNA Group. Hãng hàng không Hong Kong Airlines, một đơn vị cũng thuộc HNA, đang vật lộn để vượt qua khủng hoảng. Ngoài việc sa thải người và yêu cầu nhân viên còn lại nghỉ phép không lương, hãng cho biết sẽ cắt giảm tất cả các dịch vụ trên chuyến bay để cắt giảm chi phí hơn nữa.

Châu Á – Thái Bình Dương chịu vạ lây

Không chỉ Trung Quốc, ngành hàng không châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ chịu vạ lây. Theo IATA, nhu cầu hàng không trong khu vực này trong năm nay dự kiến sẽ giảm 8,2% so với năm 2019, trái ngược với dự báo tăng 4,8% trước khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 5.

Không chỉ Trung Quốc, ngành hàng không châu Á – Thái Bình Dương cũng chịu vạ lây

Các nhà phân tích cho rằng, các hãng hàng không giá rẻ sẽ là đối tượng dễ rơi vào tình cảnh bấp bênh nhất. Nok Air, một hãng bay giá rẻ, đã phát triển một phần nhờ vào sự bùng nổ của khách Trung Quốc đi nghỉ mát ở Thái Lan đang có lý do để lo sợ, bởi 10 trong số 19 điểm đến ở nước ngoài của Nok Air là các thành phố ở Trung Quốc. Theo các số liệu của OAG, số lượng chuyến bay từ Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 60% trong tuần thứ hai của tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, theo OAG.

"Đây là vấn đề về việc ai có bảng cân đối kế toán lành mạnh nhất", chuyên gia Paul Yong nhận định. "Chúng tôi nhận thấy có khả năng một số hãng hàng không nhỏ hơn phải đối mặt với nguy cơ phá sản".

Nhiều hãng hàng không hiện đang phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp với hy vọng cắt lỗ do lượng hành khách sụt giảm mạnh. Ở Hong Kong (Trung Quốc), hãng Cathay Pacific đã cho tất cả nhân viên nghỉ không lương 3 tuần. Hồi đầu tháng, hãng Hong Kong Airlines cho biết sẽ sa thải ít nhất 400 nhân viên trong tổng số 3.500 nhân viên, đồng thời đề nghị các nhân viên khác nghỉ không lương để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ngày 19/2, hãng tuyên bố bỏ tất cả các dịch vụ trên chuyến bay để cắt giảm chi phí.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 6.

Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương

Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương. Hiện kể cả những chuyến không bay qua Trung Quốc cũng đã bị hủy bớt. Asiana Airlines cũng đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương vì buộc phải giảm tới hơn 70% chuyến bay tới Trung Quốc. Với khoản lỗ 562 triệu USD từ năm 2019, giờ đây COVID-19 khiến Asiana Airlines phải đối mặt với con số thâm hụt lớn hơn nhiều trong năm nay.

Hãng hàng không Qantas Airways của Australia ngày 20/2 cho biết hãng đã cắt giảm chuyến bay tới Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore đồng thời ngừng bay tới Trung Quốc đại lục ít nhất đến cuối tháng 5, trong khi hãng hàng không Thai Airways (Thái Lan) cũng bỏ bớt các chuyến nối từ Bangkok tới Seoul và Singapore bởi hiện rất ít khách muốn di chuyển bằng máy bay.

Tình hình có thể diễn biến nghiêm trọng hơn?

Các ước tính được IATA đưa ra dựa trên cơ sở COVID-19 sẽ có những diễn biến giống với dịch SARS hồi năm 2003. Điều này có nghĩa là "giai đoạn kéo dài dịch sẽ khoảng 6 tháng với mức sụt giảm mạnh về nhu cầu của khách đi máy bay nhưng cũng sẽ hồi phục ở mức nhanh chóng tương đương". IATA cũng giả định rằng dịch COVID-19 sẽ chủ yếu tập trung tại Trung Quốc và không lan sang các khu vực khác.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 7.

Đây mới chỉ là tác động ban đầu của dịch COVID-19 với ngành hàng không?

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo, đây mới chỉ là những ước tính tại thời điểm này. Nếu dịch bệnh vẫn còn tiếp tục lan rộng ra các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng với các hãng bay ở những khu vực khác sẽ còn lớn hơn nữa.

Tạp chí Forbes đưa tin cơ quan Nghiên cứu hàng không Thụy Sĩ m1nd-set mới đây đã phát triển 3 kịch bản cho những diễn biến của dịch COVID-19. Theo đó, sự sụt giảm lưu lượng vận tải hàng không toàn cầu có thể dao động trong khoảng từ 7,1% (kịch bản nhẹ) cho tới 15,2% (kịch bản nghiêm trọng). Trong khi đó, số lượng hành khách đi máy bay trên toàn cầu có thể giảm từ 30 triệu (kịch bản nhẹ) cho tới 65 triệu (kịch bản nghiêm trọng).

Nghiên cứu của m1ndset cũng đưa ra dự báo về những sân bay sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh. Tại Bắc Mỹ, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, các sân bay Guam, Honolulu, San Francisco sẽ đứng đầu về tỷ lệ sụt giảm về lưu lượng vận tải, trong khi các sân bay Los Angeles, San Francisco, Toronto, New York và Vancouver thiệt hại nặng về số lượng hành khách.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 8.

Số lượng hành khách đi máy bay trên toàn cầu có thể giảm từ 30 triệu (kịch bản nhẹ) cho tới 65 triệu (kịch bản nghiêm trọng)

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ma Cao (Trung Quốc), Bali (Indonesia) và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ là những nơi có lưu lượng vận chuyển hàng không giảm mạnh nhất. Hong Kong (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan) và Đài Bắc (Trung Quốc) sẽ đối mặt với mức sụt giảm hành khách lớn nhất.

Các khu vực ở xa hơn như châu Âu, Trung Đông và châu Phi cũng sẽ đối mặt với những ảnh hưởng tương tự.

COVID-19: Cơn ác mộng của ngành hàng không thế giới - Ảnh 9.

Dự báo thiệt hại của dịch COVID-19 lên ngành hàng không các nước (Nguồn: m1ndset)

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động tiềm tàng đối với các sân bay, đặc biệt là tại châu Âu, nơi có nhiều sân bay thuộc sở hữu tư nhân.

Ông Olivier Jankovec – Tổng giám đốc ACI-EUROPE, một hiệp hội đại diện cho các sân bay tại châu Âu, nhận định: "Tác động về vận tải hàng không cho đến thời điểm hiện tại là chưa đáng kể, và chủ yếu giới hạn ở những sân bay có dịch vụ hàng không trực tiếp đến Trung Quốc. Chúng tôi ước tính rằng trong tháng Hai, 10 sân bay hàng đầu của Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ mất tổng cộng 475 nghìn hành khách – khoảng 1,2% tổng lượng khách vận chuyển trong tháng.

Tuy nhiên, khi những tác động kinh tế lớn hơn bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc và có thể vượt ra ngoài phạm vi nước này, ảnh hưởng đến vận tải hàng không có thể trở nên rõ ràng hơn đối với các sân bay châu Âu."

Nguồn: Forbes, OAG, Wall Street Journal, Independent

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước