Công nghiệp hỗ trợ yếu vì hỗ trợ sai địa chỉ

Theo Báo Đầu tư-Thứ hai, ngày 19/09/2016 15:58 GMT+7

Doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia được vào giai đoạn cuối như bao bì, vỏ bọc… trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Đức Thanh

VTV.vn - Trong góc nhìn của các chuyên gia Nhật Bản, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu và thiếu một phần do tư duy hỗ trợ sai địa chỉ.

Hệ lụy là chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đang rất ngắn và dễ thay thế.

Buổi công bố kết quả Nghiên cứu Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) của Nhật Bản thực hiện lặng đi sau lời xin lỗi của TS. Yoichi Sakurada.

"Tôi xin lỗi khi phải nói thật là, doanh nghiệp Việt Nam hiện không đủ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", TS. Yoichi Sakurada nói.

Tham dự Buổi công bố là đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Nhiều người trong số này không chỉ chứng kiến mà còn tham gia vào quá trình hình thành và phát triển hệ thống chính sách cho ngành công nghiệp này trong 5 năm qua, tính từ thời điểm ban hành Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đáng tiếc, đây không phải là lần duy nhất TS. Yoichi Sakurada - một trong những tác giả chính của Nghiên cứu Thúc đẩy phát tiển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – phải bày tỏ thái độ này.

"Vấn đề của Việt Nam là văn bản nhiều, nhưng thực thi thế nào? Câu hỏi tương tự với hệ thống cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam – khu vực đóng vai trò chính trong các ngành công nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi đã đến tận nơi, hỏi doanh nghiệp và rất tiếc là nhiều doanh nghiệp không tìm kiếm được sự hỗ trợ như họ cần. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trả lời không biết đến hệ thống hỗ trợ này. Chúng tôi nghĩ là đã có thể trả lời cho câu hỏi vì sao doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển được", ông Sakurada nói.

Mối lo này bị đẩy lên cao khi các chuyên gia của MRI cho rằng, Việt Nam đang bị đặt vào thế buộc phải nhảy cóc, phải gia nhập được chuỗi cung ứng này do yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do mới, trong khi thực tế sự phát triển của công nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn 2 theo mô hình của các nền kinh tế phát triển, đó là bước sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.

"Có thể nói là Việt Nam sẽ phải đi rất nhanh qua giai đoạn phát triển công nghiệp định hướng xuất khẩu theo tuần tự. Câu hỏi phải trả lời là Việt Nam sẽ lấp đầy các khoảng trống thế nào trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam chưa hội tụ đủ năng lực cạnh tranh của các giai đoạn phát triển trước đó", TS. Yoichi Sakurada thẳng thắn chia sẻ các kết quả nghiên cứu.

Hệ lụy của các câu hỏi này, theo các chuyên gia của MRI, Việt Nam đang được chứng kiến. Đó là sự chênh vênh của các doanh nghiệp thầu phụ trong mối liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng là các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phần lớn thầu phụ cấp độ 1, 2 cho các doanh nghiệp FDI như Canon, Honda là các doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia được vào giai đoạn cuối như bao bì, vỏ bọc… Nghĩa là chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia rất ngắn và ở mức độ thấp nhất, dễ bị thay thế.

"Trong khu vực ASEAN, các nước đi trước Việt Nam trong phát triển công nghiệp hỗ trợ như Malaysia, Thái Lan… đã tận dụng được kết nối với khu vực FDI, nhận chuyển giao công nghệ cũng như các nguồn lực khác. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp nội địa lớn mạnh hơn trong chuỗi cung ứng. Việt Nam chưa khai thác được mối liên kết này, phải dựa quá nhiều vào khu vực FDI trong cả lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây là điều cần phải lưu ý", TS. Yoichi Sakurada nói.

Các chuyên gia nghiên cứu của RMI cũng không ngần ngại nói thẳng, các mô hình dịch vụ công hỗ trợ  doanh nghiệp nhỏ và vừa phần nhiều ở tình trạng vừa trùng lặp về nghiệp vụ, vừa không đáp ứng được nhiều yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng.

"Mục tiêu của các trung tâm hỗ trợ từ trung ương tới các địa phương đều rất tốt đẹp, nhưng cách hoạt động thì lãng phí về tiền bạc, con người và không hiệu quả. Phần lớn trung tâm này hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, các vấn đề về mẫu biểu. Một số nơi có hỗ trợ về thông tin, tư vấn quản lý doanh nghiệp… trong khi chúng tôi hỏi doanh nghiệp thầu phụ cần gì, họ nói cần hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, các thiết bị đo đạc… để biết chắc được sản phẩm của họ thỏa mãn đòi hỏi của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng vì doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện kiểm tra", TS. Yoichi Sakurada chia sẻ thông tin.

Ở Nhật Bản, phần việc này được giao cho Trung tâm hỗ trợ công về kỹ thuật đặt tại các địa phương. Đây là nơi kết nối không chỉ doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước mà cả hệ thống chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp lớn…

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước