Các chỉ số chứng khoán trong nước hôm qua tiếp tục có một phiên giao dịch sôi động với sắc xanh lan tỏa. Đà tăng của cổ phiếu họ Vingroup cùng nhiều bluechips ngân hàng dẫn dắt VN-Index có lúc tăng gần 8 điểm. Tuy nhiên, thị trường càng lên vùng cao, nhiều nhà giao dịch cũng phát sinh tâm lý chốt lời kết hợp cùng việc nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng khiến cho đà tăng không bền vững. Nhiều mã cổ phiếu thu hẹp đà tăng thậm chí chuyển sắc đỏ về cuối phiên đã khiến cho VN-Index kết phiên chỉ còn tăng 1,6 điểm, lên 1.331,92 điểm.
Trong số các cổ phiếu giảm điểm ngày hôm qua tiếp tục có mặt các cổ phiếu viễn thông và công nghệ. Tính từ giai đoạn cuối năm 2024 đến đầu năm nay, nhiều cổ phiếu viễn thông công nghệ như FPT hay CMG đều đã có nhịp giảm giá tương đối mạnh trên dưới 20%. Diễn biến của FPT nói riêng hay cổ phiếu công nghệ Việt Nam nói chung đi sát theo diễn biến của cổ phiếu công nghệ Mỹ và điển hình là nhóm Magnificient 7 (tức là 7 ông lớn cổ phiếu công nghệ dẫn dắt bởi Nvidia).
Nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ và Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng trong giai đoạn cuối năm 2022 đến cuối năm 2024. Định giá được đẩy lên rất cao và rồi điều chỉnh mạnh từ sự kiện xuất hiện của hệ thống trí tuệ nhân tạo AI DeepSeek được nhận diện định hình lại cuộc đua AI toàn cầu với chi phi rẻ hơn.
Đỉnh và đáy trên thị trường chứng khoán chỉ có thể biết khi đã đi qua
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank cho biết: "FPT đến hết phiên cuối tuần qua cũng là lần đầu tiên nằm dưới đường 200 ngày lần đầu tiên sau giai đoạn uptrend (tăng giá) kéo dài hàng năm. Định giá của cổ phiếu đã lên mức rất cao sau khi tăng trưởng rất nóng trong vòng hai năm trở lại đây theo nhóm công nghệ quốc tế. FPT đã lên mức định giá cao nhất lịch sử kể từ khi niêm yết gần 30 lần theo định giá P/E. Còn P/B, định giá lên mức gần sát ngưỡng 7,5 lần, quá xa ngưỡng giá trị hợp lý. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ chốt lời rất mạnh FPT trong thời gian gần đây".
Hầu như xưa, hiếm khi thấy khi nào cổ FPT hở room ngoại, lúc nào cũng ở trạng thái kịch khung 49%. Hiện tỷ lệ phần trăm sở hữu FPT của khối ngoại đã giảm từ 49% về còn khoảng 44%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ từng là lựa chọn ưa thích của quỹ ngoại này. Tuy nhiên, Pyn Elite Fund hiện đã không còn là cổ đông lớn tại CMG trong khi FPT cũng không còn nằm trong top 10 danh mục của quỹ.
Ông Petri Deryng, Quản lý quỹ PYN Elite Fund nêu ý kiến: "Sự phấn khích là một phần bản chất của thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư có xu hướng bị thổi phồng với các cổ phiếu trong một ngành hẹp cụ thể hoặc với một quốc gia duy nhất. Trong những trường hợp như vậy, định giá có thể tăng nhanh hơn đáng kể so với mức tăng trưởng thu nhập cơ bản".
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS chia sẻ: "Để một nhóm ngành dẫn dắt hai sóng liên tiếp chỉ 12,5%, rất khó để cho một câu chuyện đó diễn ra liên tục trong hai năm liên tiếp. Ngay cả thị trường chứng khoán của chúng ta cũng vậy, năm ngoái là câu chuyện về công nghệ thì năm nay có sự chuyển dịch về mặt câu chuyện từ nhóm công nghệ chuyển sang các nhóm liên quan đến tài chính, xây dựng, đầu tư công. Đó là hai bức tranh hoàn toàn khác nhau, từ năm 2024 đến năm 2025 và tôi tin rằng, năm nay sẽ là những câu chuyện mới mà chúng ta vẫn có thể đầu tư được. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lựa chọn nhóm ngành một cách kỹ lưỡng hơn".
Các thành viên thị trường cho rằng, không ai có thể khẳng định chắc chắn liệu cổ phiếu công nghệ đã đạt đỉnh hay mức cao nhất vẫn còn ở phía trước. Đỉnh và đáy trên thị trường chứng khoán chỉ có thể biết khi đã đi qua.
Tuy nhiên, câu chuyện của nhóm cổ phiếu công nghệ vừa qua cho thấy, kể cả trong một thị trường tăng giá, chọn sai dòng cổ phiếu với định giá đắt đỏ vẫn khiến nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng phải nếm trái đắng thua lỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!