Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Halal

Phương Nam-Thứ hai, ngày 20/12/2021 16:14 GMT+7

VTV.vn - Sáng 20/12, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Thị trường Halal ở Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội”.

Thị trường Halal - thị trường phục vụ hơn 2 tỷ người Hồi giáo trên thế giới là một khái niệm còn ít được biết đến tại Việt Nam, trong khi có quy mô rất lớn với giá trị hơn 2.000 tỷ USD, cùng với sự tăng trưởng nhanh của dân số Hồi giáo. Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước chú trọng đến các tiêu chuẩn Halal nhằm chinh phục thị trường này.

Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp được đưa ra phân tích trong Hội Nghị “Thị trường Halal ở Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội” do Bộ Ngoại Giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức sáng nay (20/12).

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của thị trường này có giá trị khoảng 1.300 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên gần 2.000 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,3%.

Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Halal - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

"Các mặt hàng nông sản chính chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu: gạo, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, quế, hồi… được đánh giá rất phù hợp với thị trường Halal. Nếu mình hiểu được tiêu chuẩn, quy chuẩn, đòi hỏi về nền văn hóa của Hồi giáo, nhất định chúng ta sẽ khơi thông được thị trường", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á với dân số gần 700 triệu người, trong đó người Hồi giáo chiếm hơn 30%, đây cũng sẽ là cánh cửa mở ra thị trường lớn khi Việt Nam có lợi thế về khoảng cách địa lý và sự giao thoa về văn hóa.

"Chúng tôi cho rằng đầu tiên phải tính đến "hàng xóm" của mình, sau đó mới đến các thị trường xa hơn. Halal là lối sống rất phổ biến. Những sản phẩm Halal chắc chắn sẽ tìm thấy chỗ đứng trong cộng đồng người Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương", ông Vũ Hồ, Đại sứ, Vụ trưởng vụ ASEAN Bộ Ngoại Giao, nhận định.

Halal hiện đã mở rộng thị trường cho tất cả các loại thực phẩm như: sữa, bánh, kẹo, thực phẩm, dược phẩm, du lịch… Đáng chú ý, có những sản phẩm gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal như thủy sản nuôi, trà…, trong khi việc cấp chứng nhận Halal hiện cũng là một trong những thách thức lớn khi mới chỉ có một số tổ chức tư nhân cấp. Vì vậy, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt để không bỏ lỡ cơ hội lớn từ thị trường này.

Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam

VTV.vn - Tọa đàm với chủ đề trên do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chủ trì, với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hiệp hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước