Xu hướng tiêu dùng dầu gạo trên thế giới đang tăng
Hiện tại, dầu gạo được đánh giá là một trong những loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe, đã được người dân ở các quốc gia phát triển như New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu…sử dụng rộng rãi nhờ hương vị thơm ngon và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
Tại Hội nghị Dầu Gạo Quốc tế lần thứ 5 vừa diễn ra tại Việt Nam, Tiến sĩ Yiqun Wang - Viện Hóa học Não bộ và Dinh dưỡng Con người (Anh) cho biết, dầu gạo dồi dào các dưỡng chất như Gamma-Oryzanol, vitamin E và 27 loại phytosterols, có tác dụng chống o-xy hóa hiệu quả. Nếu duy trì chế độ ăn lành mạnh, sử dụng khoảng 20ml mỗi ngày, dầu gạo còn giúp cơ thể loại bỏ cholesterol xấu, phòng ngừa được các bệnh tim mạch, mỡ máu, huyết áp, tai biến mạch máu não… và gần 60 loại bệnh khác.
Tiến sĩ Yuanrong Jiang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Wilmar Toàn cầu cũng cho biết, trong số các loại dầu thực vật, chỉ dầu gạo mới có tỷ lệ cân bằng chất béo SFAs - MUFAs - PUFAs gần nhất với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA). Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Tú - Phó Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học & Công Nghệ Thực Phẩm, trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã trình bày thêm nghiên cứu so sánh dầu gạo với 28 loại dầu ăn khác trên thị trường (mè, đậu nành, hướng dương, cọ, đậu phộng, ngô...). Kết quả nghiên cứu cũng nhất quán với nhận định của Tiến sĩ Yuanrong Jiang và các chuyên gia dinh dưỡng khác.
Ấn Độ, một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu gạo lớn trên thế giới cho biết dầu gạo tại quốc gia này phổ biến đến nỗi 300 nhà hàng KFC đã quyết định thay thế dầu cọ bằng dầu gạo khi chế biến thức ăn. Ở Nhật, dầu gạo được mệnh danh là "Dầu của trái tim". Tại Mỹ, dầu gạo được gọi là "dầu của sức khỏe".
Ông Peh Ping Teik – Chủ tịch Hiệp hội Dầu gạo quốc tế 2018 chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng về tiềm năng phát triển ngành sản xuất dầu gạo Việt Nam
Dầu gạo - bí quyết cho các món ăn ngon
Trong ẩm thực, dầu gạo cũng được nhiều đầu bếp nổi tiếng lăng xê như bí quyết nấu ăn ngon. Theo giám khảo "Vua đầu bếp nhí" Jack Lee, dầu gạo có ưu điểm ít thấm hút hay bám dính vào thực phẩm khi chiên, xào. Ngoài ra, còn có điểm bốc khói cao (254 độ C) nên đun lửa to không tạo mùi cháy khét, giúp đồ khi rán có lớp vỏ giòn rụm, vàng ruộm đẹp mắt. Anh cũng chuộng dùng dầu gạo trộn salad vì mùi vị thơm dịu nhẹ, không hắc nồng, càng không làm miệng bóng nhẫy như các loại dầu ăn khác. Jack cho biết, phải mất nhiều năm để tìm ra công thức chế biến các món chiên và trộn salad không ngán ngấy bằng dầu gạo để chiều lòng những thực khách sành ăn của nước Mỹ.
Sẵn sàng cho những bước tiến mới
Ông Trần Anh Dũng - Giám đốc nhãn hiệu Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC) cho biết thêm, quy trình sản xuất ra dầu gạo - nguyên liệu được các đầu bếp sành sỏi trên thế giới ưa chuộng cũng vô cùng cầu kỳ, tinh tế. Phải cần đến 150 - 200kg lúa gạo mới cung cấp đủ lượng cám để sản xuất 1 lít dầu gạo, cám tươi phải được trích ly trong vòng tối đa 6h sau khi tách khỏi hạt gạo nhằm giữ được hàm lượng Gamma-Oryzanol cao nhất. Các yếu tố này khiến dầu gạo trở thành loại một trong những loại dầu ăn cao cấp, giàu dưỡng chất.
Dù Việt Nam mới gia nhập các quốc gia sản xuất dầu gạo vài năm gần đây, sản lượng cung ứng ra thị trường chưa nhiều, song nhiều doanh nghiệp cũng đã có những hoạt động đầu tư nghiêm túc, cam kết phát triển lâu dài cùng ngành dầu gạo. Đơn cử như hiện tại Việt Nam đã có nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn của cả nước để khai thác và xử lý cám tươi đạt chuẩn. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhập khẩu dây chuyền tinh chế dầu gạo hiện đại hàng đầu thế giới của hãng DeSmet Ballestra (Bỉ) để sản xuất dầu gạo thành phẩm có chất lượng tương đương dầu gạo sản xuất ở các quốc gia phát triển, đáp ứng hệ tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Úc, NewZealand.
Dầu gạo Việt ngày càng phổ biến trong căn bếp của nhiều nước trên thế giới
Nói về kế hoạch sắp tới, nhiều doanh nghiệp Việt cho biết đang đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng thị phần trong nước bằng các hoạt động quảng bá giá trị của dầu gạo đối với sức khoẻ đến người tiêu dùng, đồng thời tăng quy mô, đổi mới công nghệ để giảm giá thành.
Hiện tại người tiêu dùng Việt Nam có thể tìm thấy dầu gạo tại các chợ và siêu thị trên toàn quốc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!