Cơ chế điều hành xăng dầu: Cần làm mới những quy định bất cập

Tố Uyên-Thứ năm, ngày 16/05/2024 20:28 GMT+7

Nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước dồi dào hơn

VTV.vn - Đã đến lúc nước ta cần thay đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp, để vừa đáp ứng về an ninh năng lượng, vừa ổn định thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Nhiều quy định bất cập

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiến nghị không nên thanh tra quá nhiều, một năm doanh nghiệp phải đón nhiều đoàn thanh tra, gây phiền toái, mệt mỏi và tốn kém cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) diễn ra mới đây, đánh giá về 10 năm thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP, một số chuyên gia cho rằng, thị trường xăng dầu cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá cả vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường; nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhìn tổng thể đã được bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước...Tuy nhiên, hiện tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, một số quy định không còn phù hợp, cần đổi mới để đáp ứng thực tiễn và xu thế phát triển trong thời gian tới.

Đơn cử, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dẫn chứng, kinh tế Việt Nam đang "mở", hội nhập sâu vào kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Theo đó, nhiều loại thuế nhập khẩu của hàng hóa, trong đó có xăng dầu được giảm theo cam kết. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước đã thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn cũng đã cung ứng ra thị trường được khoảng 70%. Mặt khác, trên thực tế, nước ta đã thực hiện "số hóa" trong kinh doanh xăng dầu, song rõ ràng việc triển khai tại đa số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Cơ chế điều hành xăng dầu: Cần làm mới những quy định bất cập - Ảnh 2.

Nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước dồi dào hơn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động và một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập và cần được nghiên cứu, xem xét, sửa đổi. Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), chúng ta cần có quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường...cho các cơ sở kinh doanh. Hơn nữa, thời gian qua, Quỹ Bình ổn xăng dầu gần như không cần trích chi sử dụng và thị trường vẫn diễn ra bình thường. Do vậy, việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và nên bỏ Quỹ Bình ổn.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu cần có cơ chế mới thay thế cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay để vừa đáp ứng được mục tiêu, quan điểm của nhà nước về an ninh năng lượng quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu nội tại của doanh nghiệp về phát triển kinh doanh.

Linh hoạt điều hành và chú trọng giám sát, hậu kiểm

Các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động của các đầu mối, thương nhân phân phối và cả bán lẻ; có quy định tách khâu bán lẻ khỏi các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cần để doanh nghiệp tự quyết giá bán thay vì cơ quan quản lý định giá như hiện nay. Việc tự quyết giá bán như áp dụng với thị trường gas nhiều năm qua sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh có lãi và điều này sẽ giúp thị trường không có tình cảnh thiếu hàng từng xảy ra thời gian qua.

Bàn về nhiệm vụ cơ bản của cơ quan quản lý trong việc điều hành thị trường xăng dầu, đa số ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự và tự vận hành, điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh. "Cơ quan quản lý nên hạn chế can thiệp quá nhiều mà thay vào đó là giám sát và hậu kiểm. Chúng ta cũng cần tách khâu bán lẻ khỏi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, xóa độc quyền nhóm...Làm được điều đó tự khắc thị trường sẽ ổn, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi", TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.

Mới đây, chia sẻ sâu hơn về câu chuyện quản lý kinh doanh xăng dầu cũng như việc xây dựng Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới thay thế 3 Nghị định quản lý xăng dầu hiện nay, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đối với cơ chế giá xăng dầu, Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới thay thế sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường. Nhà nước sẽ ban hành công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá mà công thức giá quy định. 

"Riêng về Quỹ Bình ổn xăng dầu, hiện tinh thần nghị định mới sẽ quy định cụ thể hơn về mức trích, chi và thời gian trích, chi cũng như các nội dung khác liên quan cũng đang được nghiên cứu xem xét về Quỹ này", bà Hiền nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên VTVTimes, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, dự thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới sẽ đảm bảo cân đối cung - cầu, từ đó không xảy ra tình trạng thiếu hụt mặt hàng này như các tình huống đã xảy ra thời gian qua. 

Bên cạnh đó, giá cả của xăng, dầu sẽ được điều hành theo cơ chế thị trường. Bộ Công thương đưa ra mức giá trần để làm tham khảo, từ đó các doanh nghiệp tính toán đưa ra mức giá phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế, tuy nhiên chắc chắn không vượt mức giá trần...

Trước đó, Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công thương phải trình nghị định mới trong tháng 3, song hiện, Bộ này đã có ý kiến xin được lui sang tháng 6/2024, do phải tuân thủ các quy trình. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước