Chuyển đổi số - “Chìa khóa” phát triển kinh tế hậu COVID-19

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 12/12/2021 12:24 GMT+7

VTV.vn - Chuyển đổi số là chìa khóa để tìm kiếm các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt lên hiện nay. Đó cũng là lý do chỉ trong thời gian một tuần đã có 2 diễn đàn quan trọng được tổ chức, thu hút sự quan tâm của báo chí. Đó là Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.

Theo ghi nhận của tờ Lao động, Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà kinh tế. Một ý kiến được nhiều lần chia sẻ là cần tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực trên phạm vi rộng hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo lao động, đặc biệt cần có hệ thống kinh tế thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo nhiều chuyên gia, sau COVID-19, các doanh nghiệp nền kinh tế sẽ bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh của dịch bệnh, do đó cần có cơ chế đặc thù để tái khởi động, phục hồi doanh nghiệp.

Thúc đẩy nền kinh tế số

Tờ Người lao động đề cập tới một số định hướng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông.

Chuyển đổi số - “Chìa khóa” phát triển kinh tế hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là chìa khóa để Việt Nam sớm phục hồi kinh tế, hướng tới phát triển bền vững sau đại dịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Báo Thanh niên cho rằng, cơ hội phần nhiều đến từ chuyển đổi số, bởi chuyển đổi số chính là chìa khóa để tìm kiếm các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch. Do đó, Việt Nam cần nhận diện đúng, nhanh chóng bắt kịp 3 xu hướng: Hoạt động kinh tế không tiếp xúc, làm việc từ xa và giải nén không gian đô thị để thực hiện hiệu quả chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế.

Cùng với các ý kiến đóng góp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2011 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lại ghi nhận nhiều đề xuất về các giải pháp như: Chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cải cách, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để Việt Nam sớm phục hồi kinh tế, hướng tới phát triển bền vững sau đại dịch.

Cơ chế tham vấn hữu ích

Bình luận về tổ chức diễn đàn lần này, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Jonathan Pincus cho rằng, diễn đàn là một trong những cơ hội rất tốt để hình thành mạng lưới chuyên gia tham vấn, tham mưu cho Quốc hội; đồng thời thể hiện sự tích cực, chủ động vào cuộc của các cơ quan của Quốc hội trong giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp đang cần nhiều sự hỗ trợ để có thể hồi phục và phát triển. Từ diễn đạt này, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra.

Báo Tuổi trẻ ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng, cần tính tới việc áp dụng các giải pháp đã được tiến hành tại các quốc gia khác, đồng thời kỳ vọng sự vào cuộc tích cực của Quốc hội sẽ sớm được hiện thực hóa.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: "Tâm thế tự tin, tầm nhìn sâu rộng"

Chính phủ đang rất nỗ lực để có chương trình phục hồi và phát triển trong điều kiện COVID-19, còn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 nhằm phục vụ trực tiếp cho Quốc hội xem xét, quyết định gói chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ. Nói cách khác, Quốc hội đang đồng hành cùng Chính phủ để có được chương trình phục hồi phát triển kinh tế hiệu lực và hiệu quả.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là không chỉ bàn về phục hồi, mà còn bàn về phát triển bền vững. Đây là điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thể hiện tầm nhìn sâu rộng, cùng tâm thế tự tin là nền kinh tế sẽ đứng dậy và chớp được thời cơ.

Chuyển đổi số để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045 Chuyển đổi số để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045

VTV.vn - Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình, với những tiềm năng và hướng đi đúng đắn, Việt Nam có thể đứng vào hàng những nước phát triển trong hơn 30 năm tới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước