Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/06/2024 16:56 GMT+7

VTV.vn - Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm.

Xuất khẩu chuối dự kiến đạt khoảng 300 triệu USD

Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay mang về doanh thu gần 3,5 tỷ USD với nhiều đơn hàng tăng từ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Trong đó, chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn. Dự báo, năm nay xuất khẩu loại trái cây này sẽ đạt khoảng 300 triệu USD.

Dư địa tăng trưởng chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Đây vừa là thế mạnh khi Việt Nam có lợi thế về địa lý. Thế nhưng, điều này cũng đặt ra vấn đề phụ thuộc vào một thị trường. Vì thế, đa dạng hóa thị trường cũng đang là vấn đề đặt ra với ngành hàng này.

Số chuối của Hợp tác xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai đã sẵn sàng lên đường xuất khẩu sang Malaysia. Khi sản lượng và giá chuối xuất khẩu có biến động, hợp tác xã này đã tìm đến những thị trường xuất khẩu khác. Đến nay, hợp tác xã đã có những bạn hàng tại thị trường Trung Đông, Singapore, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Lý Minh Hùng - Hợp tác xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết: "Mình có đầu ra tốt, tuy nhiên chúng ta mà không có bàn bạc trước làm chuẩn thì chỉ có giá thị trường, còn nếu cùng với nhau làm sẽ có thị trường tốt, giá tốt, có thể đó là hướng sẽ làm bền vững. Một số thị trường như Hàn Quốc là những thị trường gần như quanh năm".

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam - Ảnh 1.

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn. Dự báo, năm nay xuất khẩu loại trái cây này sẽ đạt khoảng 300 triệu USD.

Năm 2022, xuất khẩu chuối sang Nhật Bản đạt 6,6 triệu USD, Hàn Quốc là 4,1 triệu USD. Trong khi đó, mỗi năm Nhật Bản đang chi 1 tỉ USD và Hàn Quốc chi hơn 300 triệu USD nhập chuối mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài dư địa của hai thị trường Đông Á thì EU cũng là thị trường tiềm năng cho trái chuối của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay: "Đồng nhất về chất lượng và có quy mô lớn, từ đó tạo liên kết hợp tác với các nhà đầu tư để tạo ra sản lượng đủ lớn để phục vụ chế biến, phục vụ xuất khẩu. Phải tính toán để làm sao có các quy trình hợp lí, giá thành hợp lý".

Theo một số chuyên gia và các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở thêm nhiều thị trường xuất khẩu cho trái chuối cũng như các loại trái cây khác. Như vậy sẽ giảm bớt rủi ro, vì khi thị trường này giảm sẽ có thị trường khác thay thế. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các loại trái cây tươi để nâng giá trị cho sản phẩm.

Giải pháp hình thành vùng chuyên canh xuất khẩu

So với các nước thì Việt Nam có lợi thế là trồng chuối quanh năm, trở thành nguồn cung chuối của thế giới. Tuy là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam nhưng chuối vẫn chưa mang về giá trị như kỳ vọng. Giải pháp nào để có vùng chuyên canh xuất khẩu, giúp tạo ra giá trị mới? Đây là vấn đề đặt ra cho các bên trong thời gian tới.

Một công ty tại Đắk Lắk có 100 ha trồng chuối, sản lượng bình quân 8.000 tấn. Toàn bộ diện tích vườn chuối được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tới từng gốc chuối. Cây trồng được chăm sóc đầy đủ sau 6 tháng sẽ trổ buồng và 3 tháng sau cho thu hoạch, quá trình này được theo dõi kỹ lưỡng để xử lý từng công đoạn nhằm đảm bảo trái chuối đạt chất lượng tốt nhất.

"Đây là một mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn có chất lượng, hiệu quả và đầu tư khá bài bản, có chuyên gia nước ngoài đến để hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp cho người dân", ông Nguyễn Đức Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện M'drắk, Đắk Lắk cho biết.

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam - Ảnh 2.

So với các nước thì Việt Nam có lợi thế là trồng chuối quanh năm, trở thành nguồn cung chuối của thế giới.

Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Theo các chuyên gia, xuất khẩu chuối không chỉ phụ thuộc vào thị trường mà còn phụ thuộc vào chính đơn vị sản xuất. Nếu đơn vị sản xuất làm đúng tiêu chuẩn thì dù thị trường có khó khăn nhưng các đơn vị mua hàng vẫn chọn đến.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Hộ trồng chuối nhỏ lẻ rồi áp dụng không có đúng theo quy trình kỹ thuật nên điều kiện sâu bệnh nó mới xâm nhập vào…".

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: "Chúng tôi đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở về việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, rồi tiêu chuẩn cơ sở về quản lý và cấp mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực vật của nước nhập khẩu. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã phổ biến và phân cấp đầy đủ cái việc cấp mã số vùng trồng, cấp mã số cơ sở đóng gói cho các cơ quan tại địa phương".

Nhiều địa phương cũng đang triển khai nhân rộng những vùng chuyên canh chuối xuất khẩu theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt.

Mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm. Tuy nhiên ngành hàng chuối nói riêng và rau quả nói chung vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục. Khi vẫn có lô hàng bị cảnh báo còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn vi phạm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và những quy định khác... thì mục tiêu 7 - 7,5 tỷ USD của năm nay sẽ không hề dễ dàng.

Sau nhãn, vải, chuối Long An, cà phê Sơn La chuẩn bị có mặt tại siêu thị Nhật Sau nhãn, vải, chuối Long An, cà phê Sơn La chuẩn bị có mặt tại siêu thị Nhật Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc: Cơ hội mở rộng thị trường nông sản Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc: Cơ hội mở rộng thị trường nông sản Chuối tươi Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc Chuối tươi Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước