Một năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ và một số nền kinh tế trên thế giới đang bắt đầu mở cửa trở lại. Nhưng một vấn đề đã phát sinh khi đại dịch mới bùng phát đến giờ vẫn còn đang hiện hữu, đó là chuỗi cung ứng.
Theo báo chí Mỹ, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện vẫn còn đang rất mong manh và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phục hồi của nhiều lĩnh vực ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Hãng sản xuất xe ô tô Toyota và Honda sẽ đóng cửa các nhà máy tại Bắc Mỹ. Samsung - hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, có thể sẽ phải lùi thời điểm ra mắt các dòng sản phẩm mới và đối mặt với những khó khăn không nhỏ cho tới quý sau.
Theo nguyên nhân vừa được tờ Tạp chí phố Wall đưa ra trong bài viết hôm 17/3, hai hãng sản xuất ô tô cho biết việc đóng của các nhà máy là do thiếu các nguồn cung đầu vào tối quan trọng như là phụ tùng, nhựa, hóa dầu và chíp bán dẫn. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với các hãng sản xuất ô tô lớn khác là GM, Ford và Nissan.
Theo báo chí Mỹ, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện vẫn còn đang rất mong manh. Ảnh minh họa - New York Times
Còn Samsung dù là nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới cũng đang đứng trước tình trạng thiếu chíp do phải tạm dừng hoạt động của các nhà máy ở Texas do thời tiết. Tình trạng này đã khiến sản xuất công nghiệp của Mỹ trong tháng 2 giảm 2,2%.
Một bài viết khác cũng trên tờ Tạp chí phố Wall nhận định: "Nhìn khắp mọi nơi thì chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là một mớ hỗn độn".
Theo bài viết, có rất nhiều yếu tố đang phối hợp làm ngưng trệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh sự gia tăng bất thường về nhu cầu của người dùng đối với hàng hóa công nghệ, các nhà máy phải ngừng hoạt động do thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung nước Mỹ thì tình trạng tồn đọng hàng nhập khẩu tại các cảng biển cũng tác động không nhỏ.
Cảng Los Angeles - nơi chiếm 1/3 lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ, có lúc 40 tàu phải neo đợi ngoài khơi. Trong khi 17 tàu hiện đang chờ bốc dỡ thì có 18 tàu hàng khác đang trên đường cập cảng. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở các cảng lân cận khác.
Có rất nhiều yếu tố đang phối hợp làm ngưng trệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa - Reuters.
Sự mong manh của chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục làm đình trệ nhiều ngành sản xuất công nghiệp, làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá thành các sản phẩm.
Trước tình trạng đó, tờ Bưu điện Washington cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh yêu cầu rà soát lại toàn bộ những điểm yếu kém trong chuỗi cung ứng của nước này để có giải pháp xử lý.
Theo bài viết, nhiều khả năng Tổng thống Joe Biden sẽ kết hợp giữa gia tăng sản xuất trong nước, tăng cường dự trữ hàng hóa và nguyên liệu chiến lược, phát triển năng lực đáp ứng đột biến và hợp tác với các đồng mình.
Nhưng theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của cả nền kinh tế Mỹ theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài sau hàng thập kỷ toàn cầu hóa sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém, mất rất nhiều thời gian và có thể phải trả những cái giá không hề nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!