Chứng khoán châu Á biến động thận trọng

PV-Thứ năm, ngày 14/11/2024 20:48 GMT+7

Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản - Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

VTV.vn - Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 14/11.

Phiên sáng nay, các thị trường chính khu vực châu Á Thái Bình Dương đã chứng kiến những biến động thận trọng trong bối cảnh giới đầu tư theo dõi các dữ liệu kinh tế vĩ mô của khu vực và toàn cầu, cũng như tác động sau kết quả bầu cử tại Mỹ.

Tại Nhật Bản, Nikkei 225 có thời điểm bật tăng tới 0,8%, trước khi thu hẹp mức tăng về cuối giờ giao dịch sáng. Đồng Yen ngày hôm nay đã tăng nhẹ trở lại so với USD, sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 155 Yen/USD. Sàn Hàn Quốc cũng đi lên khoảng 0,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng của Hong Kong Trung Quốc giảm khoảng 0,9%, sau khi đã mất tới 4% giá trị trong các phiên đầu tuần, các sàn của Đại lục cũng chứng kiến mức giảm nhẹ.

Khép lại phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,5% xuống 38.535,70 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 2% xuống 19.431,95 điểm, và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải để mất 1,7% xuống 3.379,84 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Mumbai, Manila, Bangkok và Jakarta.

Sau nửa đầu tuần khó khăn đối với các nhà đầu tư châu Á, nhiều người đang muốn mua vào cổ phiếu với giá rẻ, nhưng lo ngại về khả năng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, cùng với những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc, đang đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.

Trước đó, Phố Wall cũng có diễn biến ảm đạm sau số liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng tốc trong tháng 10 như dự đoán. Số liệu này đã củng cố dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng tới.

Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn thận trọng. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, cho rằng lạm phát đang đi đúng hướng và Fed vẫn còn một tháng nữa để phân tích dữ liệu trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.

Còn Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, cho rằng Fed cần tiếp tục giảm lãi suất, nhưng hiện vẫn chưa rõ mức lãi suất trung lập – tức mức lãi suất hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát – là bao nhiêu, nên Fed cần thận trọng vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, vẫn còn những lo ngại về tác động từ kế hoạch của ông Donald Trump trong việc cắt giảm thuế, nới lỏng quy định và áp đặt thuế quan lớn đối với hàng nhập khẩu - đặc biệt là từ Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng các chính sách này có thể khiến lạm phát tăng trở lại. Trong bối cảnh này, một số nhà đầu tư hiện đang giảm bớt dự đoán về số lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước