Ngay sau khi mở cửa, thị trường chứng khoán Mỹ đã phải ngắt cầu dao, tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút do đà giảm quá mạnh. Đây đã là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần qua, phố Wall rơi vào tình trạng như vậy. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 3000 điểm, trong khi các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lao dốc khoảng 12% giá trị.
Phía bên kìa bờ Đại Tây Dương, dù không lao dốc mạnh như thị trường Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ khi các chỉ số chính đồng loạt mất từ 4-5% giá trị. Với giới đầu tư, các biện pháp hỗ trợ thị trường của FED và nhiều ngân hàng trung ương khác là không đủ, và thậm chí còn gia tăng sự hoang mang, dẫn tới làn sóng bán tháo.
Theo ông Michael Hewson - chuyên gia phân tích thị trường Công ty CMC Markets, Anh: "Chỉ các ngân hàng trung ương là không đủ để giảm cú sốc về cầu. Thông thường, việc hạ lãi suất và tung ra các biện pháp nới lỏng định lượng sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay. Nhưng các ngân hàng chỉ có thể cho vay, nếu khách hàng có nhu cầu vay. Nếu tất cả mọi người đều ở nhà, không chi tiêu, lo sợ bị mất việc, sẽ chẳng có nhu cầu vay tiền nào cả".
Việc FED hạ lãi suất về 0% cũng khiến giới đầu tư băn khoăn về những lựa chọn còn lại, trong trường hợp nền kinh tế đối mặt với những kịch bản xấu hơn.
Theo ông Peter Tuchman - nhà giao dịch, Công ty chứng khoán Quattro, Mỹ: "FED đã làm điều đó với một động cơ tốt, hy vọng hỗ trợ và tăng tính thanh khoản của thị trường. Nhưng một vấn đề khác là sau khi chúng ta đã hạ lãi suất về 0, bắn hết đạn dự trữ của mình, thì liệu có viễn cảnh nào tệ hơn nào đang chờ đợi ở phía trước hay không".
Tuy vậy, đà lao dốc của thị trường cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm những cổ phiếu tốt, với mức giá hời.
Theo ông Eric Clark - Giám đốc Quỹ đầu tư Rational, Mỹ: "Với một thị trường kém thanh khoản như hiện nay, mọi thứ có chút khó khăn. Nhưng tôi đã từng giao dịch hồi năm 2008 - 2009. Cho dù yếu tố rủi ro đã thay đổi, đây vẫn chỉ là vấn đề mua vào cổ phiếu của các công ty tốt khi giá giảm mạnh, và rồi sau đó, mọi thứ sẽ hồi phục trở lại. Luôn luôn là như vậy".
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán thế giới trong những ngày tới vẫn sẽ chứng kiến nhiều biến động mạnh, do tác động từ dịch bệnh COVID-19. Giới đầu tư hiện đang chờ đợi thêm những chính sách hỗ trợ thị trường của chính phủ các nước, mà trước mắt sẽ là từ cuộc họp chính sách của FED diễn ra trong ngày thứ 3 và thứ 4 theo giờ Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!