Thảo luận tại Tổ vào sáng nay (25/5), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những thách thức mà nền kinh tế đang đối diện. Trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế chúng ta. Các yếu tố đầu vào cũng tăng, kéo theo nền kinh tế vào khó khăn chung.
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây bốc hơi hàng tỷ USD. Do đó cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.
Lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo rằng "Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo".
Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng nay
Tuy nhiên bất chấp những thách thức, Chủ tịch nước khẳng định dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng, dấu hiệu tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp... Khẩu hiệu luôn được quán triệt là giữ vững kinh tế vĩ mô và là điểm nổi trội trong điều hành. Về vấn đề dịch Covid-19, dịch bệnh ngày một kiểm soát tốt với tỉ lệ tiêm vaccine thuộc nhóm đầu trên thế giới.
“Thành công tại SEA Games 31 rất vang dội. SEA Games không chỉ là kênh thể thao Đông Nam Á mà nó còn là bộ mặt quốc gia, khả năng tổ chức và trình độ chuyên môn vừa rồi chúng ta làm khá hoàn thiện chương trình thể thao khu vực rất tốt”, Chủ tịch nước nói thêm.
Lưu ý "đó mới chỉ là kết quả bước đầu" nên không được chủ quan, thoả mãn, Chủ tịch nước chỉ rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp là không thể bàn cãi do tác động của đại dịch trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
Kiểm soát giá xăng dầu
Tham gia thát biểu tại buổi thảo luận tổ, bên cạnh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, những tháng cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự báo có nhiều thách thức, nhất là những nước nền kinh tế có độ mở lớn.
Đại biểu này cho rằng, với tình hình gia xăng dầu hiện nay, các cơ quan cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên quá cao.
“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu”, đại biểu cho rằng, trong kỳ họp này nên đưa vấn đề này vào Quốc hội xem xét.
Lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ ra, thương mại dịch vụ của Thành phố đến tháng 5 đã dương được 0,6% trong khi quý I/2022 âm 1,7% và trước đó âm tới 4,8%. Du lịch của Thành phố cũng phục hồi sau ngày 15/3, khi mà Việt nam bắt đầu mở cửa hàng không. Ngành lưu trú tăng hơn 2%, lữ hành tăng trên 8%....
“Chỉ ra những con số này để thấy, Thành phố đang phục hồi rất tốt, nhờ vào các chính sách, giải pháp đồng bộ. Bởi nếu mở cửa chậm hơn 1 tháng, không điều chỉnh chính sách phòng chống dịch thì điều gì sẽ xảy ra? Điều này cho thấy sự quyết liệt, đồng bộ trong thực thi các chính sách sau COVID-19”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (đứng phát biểu) tại phiên thảo luận tổ sáng nay (25/5)
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một số tồn tại. Điển hình là khu vực bất động sản còn âm 12,6%. Ông Mãi lưu ý, có chuyện đà phục hồi chậm sau dịch do có tác động mới từ các tháng đầu năm khi siết tín dụng vào bất động sản.
Ông Mãi đặt vấn đề và đề nghị có các giải pháp siết cho đúng để tránh ảnh hưởng tới các dự án bất động sản cần triển khai, tạo công ăn việc làm, an cư cho nhiều gia đình. Muốn vậy, cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản phải hết sức căn cơ, bài bản không sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!