Năm 2016, ngành da giầy đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 17 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2015. Với việc một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi trong thời gian tới, dự kiến ngành da giầy có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng giá trị.
Những ngày đầu năm 2016, nhiều doanh nghiệp da giầy ký được lượng đơn hàng khá. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thuế giảm về 0% mở ra cơ hội lớn cho ngành da giày ở thị trường Mỹ.
Còn với thị trường EU, hiện Việt Nam mới chiếm 11% thị phần, do đó, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cũng rất cao.
Để chuẩn bị đón đầu các cơ hội, doanh nghiệp da giầy bước đầu cập nhật những thông tin về các hiệp định; chuẩn bị về sản xuất, tìm kiếm nguồn vay ưu đãi nhằm mở rộng sản xuất; đầu tư nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, nguồn nguyên phụ liệu ngành da giày còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Những mặt hàng chính như da thuộc, giả da vẫn có tỷ lệ nội địa thấp. Da thuộc, giả da hiện mới chỉ đáp ứng được 30%, nguyên liệu vải 70%, đế 60%... nên chưa chiếm được giá trị cao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam cho rằng, cần phải đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ ngành da giầy, tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu để từng bước gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, nguyên liệu chính như da thuộc, giả da…tỷ lệ nội địa còn thấp.
“Lâu nay nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi như thuế, tạo lập khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành nhằm tiết kiệm chi phí, nguồn lực nâng được hiệu quả nhằm phát triển chuỗi cung ứng, tạo liên kết ngành đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu. Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ra đời, song để hiện thực hoá cần thông tư hướng dẫn và có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp”, bà Xuân cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.