Xử lý các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên cả nước
Giá xăng dầu trong nước đã tăng lần thứ 5 liên tiếp từ đầu năm, trong đó, xăng RON 95 tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua là 26.280 đồng/lít. Cùng với việc giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa phương trên cả nước dừng bán hàng.
Ngày 22/2, lực lượng quản lý thị trường cũng vừa công bố kết quả 16 nghìn lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước trong những ngày qua.
Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 1.041 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chưa phát hiện, kiểm tra, xử lý vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua công tác kiểm tra, giám sát có 3 cửa hàng tại Hà Nội đang ngừng bán hàng với các lý do khác nhau và đã báo cáo cơ quan quản lý.
Còn trên địa bàn các tỉnh miền Nam hiện có hơn 6.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng và 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau. Các địa phương như Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Vĩnh Long cũng đã có các trường hợp bị tiến hành xử phạt các cửa hàng có hành vi không ghi tên thương hiệu, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý chấp thuận. Tại Hậu Giang và Sóc Trăng, 3 cửa hàng đã bị kiểm tra và yêu cầu đóng cửa, xử phạt, kiến nghị rút giấy phép kinh doanh vì sai phạm.
Đấu giá hàng trăm triệu lít xăng dự trữ quốc gia
Hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm, nhu cầu xăng dầu tăng khi các quốc gia nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Với cơ cấu nguồn cung xăng dầu, nhập khẩu chiếm gần 70% như hiện nay thì việc điều tiết, đảm bảo nguồn cung dài hạn bể bình ổn thị trường đã được tính đến. Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về kế hoạch bán đấu giá xăng dự trữ quốc gia để giảm khan hiếm nguồn cung nhiên liệu. Thời hạn tổ chức cuộc bán đấu giá trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2/2022.
Dự tính sẽ bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia, giá khởi điểm 14.058 đồng/lít. Tài sản bán đấu giá bảo quản ở 12 điểm kho dự trữ quốc gia tại 3 đơn vị: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty dầu Việt Nam - CTCP, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Giá khởi điểm tạm tính để xác định tiền đặt trước căn cứ theo Quyết định số 1641 về việc giá bán tối thiểu xăng Ron 92 Dự trữ quốc gia là hơn 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức trúng đấu giá sẽ cao hơn nhiều so với mức giá tạm tính này.
Bàn giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường
Các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và bán lẻ xăng dầu trong nước phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Cổng thông tin của Bộ Công Thương từ tháng sau. Doanh nghiệp nào găm hàng sẽ bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại buổi làm việc bàn biện pháp cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước vào chiều 22/2.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất chủ động trong điều hành nguồn cung đảm bảo xăng dầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên do nguồn cung ứng trong nước gặp sự cố nên từ đầu tháng 2 đến nay Bộ Công Thương đã điều hành tăng nhập khẩu gấp 3 lần bình thường để để bù đắp.
Với gần 3,8 triệu tấn hiện có trong nước, Bộ Công Thương khẳng định có đủ lượng xăng dầu cung cấp cho đến hết tháng 3. Bộ sẽ tăng nhập khẩu từ 2,4 triệu tấn lên 3,7 triệu tấn vào quý 2, đảm bảo đến hết tháng 6 không thiếu xăng dầu. Nếu 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đạt mức tối thiểu sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Bộ Công Thương sẽ phân bổ chi tiết sản lượng xăng dầu cho các tư nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ trong mấy ngày tới để đảm bảo không được thiếu xăng dầu trên toàn quốc cho đến hết tháng 3 trong mọi tình huống. Nếu các đơn vị nào nghỉ bán không lý do chính đáng sẽ bị phạt với khung chế tài cao nhất.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh giảm giá đang ngày càng xa vời.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến thế giới; chủ động phương án cung ứng... là điều kiện tiên quyết để tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sớm được giải quyết, giữ ổn định cung - cầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 22/2 với khách mời là ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!