Việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City tại Hà Nội đòi đơn phương thanh lý hợp đồng với người dân với lý do không vay được vốn ưu đãi để xây dựng tiếp thì ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà và chủ đầu tư sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để trả lại cho khách hàng? Đây là những câu hỏi hàng trăm hộ dân mua nhà tại dự án nhà ở xã hội này đang băn khoăn.
Dù công trình đã hoàn thành phần xây thô và thu tới 70% giá trị căn hộ (tương đương từ 600 - 700 triệu đồng) của mỗi khách hàng nhưng bỗng nhiên chủ đầu tư dự án Bright City của Công ty AZ Thăng Long một mực đòi thanh lý hợp đồng với lý do hết tiền xây tiếp. Tất nhiên, hơn 500 khách hàng mua nhà tại dự án đều phản đối và đặt câu hỏi: Tại sao chủ đầu tư có tiền trả cho dân mà không có tiền để xây tiếp?
Ông Phùng Xuân Hoàng - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty AZ Thăng Long nói: "Phương án cụ thể hiện chưa rõ ràng, chủ đầu tư chỉ biết sẽ làm hết trách nhiệm của mình để trả lại tiền cho người dân đi mua nhà khác".
Mới đây, trong khi đại diện chủ đầu tư đang đối thoại với người dân mua nhà ở xã hội, một nhóm khách hàng cũ mua nhà ở thương mại của công ty cũng tìm đến. Đại diện nhóm này cho biết, họ cũng từng được công ty cho thanh lý hợp đồng nhưng đã 3 năm vẫn chưa nhận đủ tiền.
Hầu hết các khách mua này vay tiền từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV, chi nhánh Tây Hà Nội. Theo quy định, những hợp đồng mua nhà sau khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ tháng 7/2015 sẽ được ngân hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, hiện các khách hàng đang mù mờ về quyền lợi của mình.
Dự án Bright City đã ngừng thi công nhiều tháng nay.
Theo các luật sư, khi dự án được xây dựng, bán cho người dân, cả chủ đầu tư và ngân hàng đều phải tính toán kỹ nguồn vốn để hoàn thiện dự án. Đây cũng là một trong những cơ sở để dự án được triển khai theo quy định nhưng không hiểu sao đến thời điểm này vẫn chưa có bên nào đứng ra giải quyết quyền lợi cho người dân ?
Luật sư Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn - cho biết: "Anh không thể đi đến nửa đường xong rồi bảo tôi không chở tiếp được. Chủ đầu tư làm như vậy là thiếu trách nhiệm. Theo tôi các bên cần ngồi lại với nhau, ngân hàng cũng phải xem trách nhiệm bảo lãnh của mình".
Nhà chưa có, hàng trăm hộ dân hàng tháng vẫn phải đi thuê nhà, trả tiền gốc tiền lãi hàng tháng, rồi loay hoay tự đi tìm chủ đầu tư, ngân hàng để đối thoại. Tuy nhiên, đến nay ngoài những cuộc gặp nhỏ lẻ, họ vẫn chưa thể tìm được câu trả lời từ phía các bên liên quan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!