Mới đây, Bộ Xây dựng vừa đưa ra đề xuất, với những giao dịch bất động sản bằng tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì yêu cầu các sàn, môi giới phải lập và gửi báo cáo về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) nhằm hạn chế tình trạng rửa tiền. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, việc làm này là khó khả thi và hiện cũng chưa có những quy định ràng buộc cụ thể.
Quy định này chỉ ra đối với bất động sản thường là những giao dịch có giá trị lớn, nếu áp dụng quy định này thì chắc chắn sẽ có cơ hội giảm các nguồn tiền được hình thành trái pháp luật, hay nói cách khác là rửa tiền ảo.
Văn bản nêu rõ, môi giới, sàn bất động sản có thể liên hệ với Cục Phòng chống rửa tiền để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, cảnh báo hoặc những cá nhân có ảnh hưởng chính trị để tránh các rủi ro trong giao dịch. Nhưng để thực thi được quy định này, hiện nay các sàn bất động sản và môi giới vẫn chưa biết phải làm như thế nào vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam, lâu nay người Việt có thói quen dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản. Việc báo cáo này sẽ gây trở ngại tâm lý cho khách hàng do thông tin của họ phải được nêu ra. Chưa kể, không có quy định chế tài nào bắt họ phải khai tiền ở đâu bởi họ đã phải đóng thuế qua mã số thuế khi giao dịch.
Ngoài ra, có thực tế là hiện nhiều dự án chưa đủ điều kiện giao dịch thì gần như giao dịch tiền mặt, ít giao dịch qua ngân hàng nên rất khó tuân thủ báo cáo.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng điều quan trọng hiện nay là làm sao buộc doanh nghiệp phải trung thực, cần phải có quy định cụ thể ràng buộc hay không chứ không thể yêu cầu tự giác báo cáo, các chế tài trong việc báo cáo sai, không đúng sẽ xử phạt ở một mức cao hơn chứ không phải như bây giờ đang ở mức từ 30-50 triệu đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!