“Chợ” trực tuyến: Người dân mua sắm bình tĩnh hơn trước lệnh giãn cách

Chinh Vũ-Thứ tư, ngày 02/06/2021 10:29 GMT+7

VTV.vn - Theo các sàn thương mại điện tử, người dân đã mua sắm bình tĩnh hơn, không có cảnh đổ xô tích trữ hàng so với thời điểm bắt đầu bùng phát dịch năm 2020.

Sau khi cả nước xuất hiện những "điểm nóng" dịch bệnh phải tiến hành giãn cách xã hội theo địa phương, các sàn thương mại điện tử ghi nhận giao dịch một số mặt hàng tăng 100%, thậm chí đến hơn 300% theo ngày.

Trong 4 ngày từ 28 - 31/5, ngay khi chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, sàn thương mại điện tử Sendo ghi nhận một số mặt hàng có lượng đơn tăng mạnh so với 4 ngày trước đó. Cụ thể, mặt hàng mì gói, bia đều tăng trên 300%, cà phê hòa tan và cá mòi đóng hộp tăng trên 200%, trong khi khăn giấy rút tăng hơn 100%.

“Chợ” trực tuyến: Người dân mua sắm bình tĩnh hơn trước lệnh giãn cách - Ảnh 1.

Sau khi cả nước xuất hiện những "điểm nóng" dịch bệnh phải tiến hành giãn cách xã hội theo địa phương, các sàn thương mại điện tử ghi nhận giao dịch một số mặt hàng tăng 100%. (Ảnh minh họa: PLO)

Ghi nhận trên sàn Tiki, trong 2 ngày cuối tuần, mức độ tăng trưởng lên đến 30%, xu hướng tìm kiếm của người tiêu dùng cũng tăng rõ ở những nhóm ngành hàng cho giãn cách xã hội như: hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ tươi sống...

Trong khi đó theo đại diện sàn Lazada, mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng tay hay các vật dụng bảo hộ "được quan tâm lớn".

Ghi nhận giao dịch có tăng, nhưng phần lớn các chợ trực tuyến đều cho rằng tình trạng chỉ xảy ra cục bộ ở một số nhóm ngành nhất định.

Sàn Lazada không ghi nhận tình trạng "cháy" hàng hay khan hiếm hàng hóa. "Do nguồn cung đã ổn định và người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ", đại diện sàn này lý giải.

Sàn Tiki cho biết, từ những ngày đầu xuất hiện các thông tin về dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp với các nhà bán và thương hiệu lớn để đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết các ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%.

"Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, đặc biệt sản phẩm nước rửa tay tăng gấp 25 lần", đại diện sàn Tiki dẫn chứng.

Chưa kể, thời điểm này lại trùng với thời điểm các sàn thương mại điện tử chạy các chương trình khuyến mãi mùa hè, phần nào khuyến khích nhiều hơn việc người dân mua sắm tại nhà.

Trước tính chất phức tạp của "làn sóng" dịch thứ 4, xuất hiện chủng mới nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, các sàn thương mại điện tử đều cũng đã kích hoạt chế độ phòng dịch cho bộ phận kho, đội ngũ giao hàng để bảo đảm an toàn nhất có thể cho chính nhân viên giao hàng và khách hàng.

Ngoài các giải pháp thường thấy, đại diện Tiki cho biết kho hàng của sàn đang được khử khuẩn liên tục mỗi ngày. Một "tổ an toàn COVID-19" cũng được thành lập để chịu trách nhiệm cập nhật diễn biến tình hình dịch và kiểm tra cơ sở.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam, cho hay đang làm việc chặt chẽ với các đối tác vận tải. "Chúng tôi cũng tăng cường hệ thống kho vận để hỗ trợ quy mô và tần suất mua sắm trực tuyến ngày càng tăng", ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Còn trước tình trạng giao thông ùn ứ cục bộ tại một số khu vực tại TP Hồ Chí Minh như quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) do phải phong tỏa theo Chỉ thị 16, sàn Lazada khuyến cáo người dân nên sử dụng các hình thức thanh toán trước qua trực tuyến, đặt hàng từ các nhà bán hàng cùng khu vực để việc vận chuyển được thuận tiện và nhanh hơn.

Thương mại điện tử Việt Nam quý I/2021: Duy nhất ngành bách hóa tăng trưởng dương

"Báo cáo thương mại điện tử quý I/2021" do bộ phận nghiên cứu của iPrice và SimilarWeb công bố định kỳ cho thấy, chỉ có bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất tiếp tục đà tăng trưởng dương với 13% so với quý trước trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, xét về lượng truy cập website.

Ở chiều ngược lại, hầu hết các ngành hàng không thiết yếu khác có trong báo cáo bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, ngành thời trang trong quý I/2021 giảm 2% so với quý IV/2020. Ngành mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe sụt giảm 3%. Các ngành hàng đắt tiền hơn như điện máy, hàng di động sụt giảm rõ rệt hơn, lần lượt 6% và 9%.

“Chợ” trực tuyến: Người dân mua sắm bình tĩnh hơn trước lệnh giãn cách - Ảnh 2.

Đồ họa: iPrice, SimilarWeb

"Cú hích từ COVID-19 mang đến dư địa tăng trưởng tốt cho ngành hàng bách hóa. Điều này chỉ báo rằng việc tập trung vào danh mục trọng yếu sẽ có thể mang đến lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhất là khi dịch bệnh vẫn còn chuyển biến liên tục", báo cáo này tạm kết luận.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo hàng hóa dồi dào trong thời gian giãn cách TP Hồ Chí Minh đảm bảo hàng hóa dồi dào trong thời gian giãn cách

VTV.vn - Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết TP đã kích hoạt kế hoạch đáp ứng cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước