Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2017 cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018
Sáng nay (23/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm tới. Trước Quốc hội và cử tri cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định cùng với Tổng sản phẩm trong nước năm nay ước đạt 6,7%, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí.
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp Quốc hội lần này có đổi mới, đó là ngay từ đầu, Chính phủ báo cáo ngay với Quốc hội về việc Chính phủ đã thực hiện những giải pháp để tốc độ tăng trưởng Tống sản phẩm trong nước năm nay ước đạt 6,7%. Và lần đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt.
Thủ tướng cho biết, giá tiêu dùng bình quân 9 tháng qua tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Tín dụng 9 tháng tăng 12%. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ước cả năm tổng thu ngân sách nhà nước tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm ngoái, bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết 9 tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%. Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, trong đó rau quả tăng 43,4%, thủy sản tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 23,6%. Trong 9 tháng có gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%, có trên 21.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, Chính phủ đã tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Trong 9 tháng tạo việc làm cho 1,24 triệu người, tăng 3,48%, trong đó đưa gần 93.000 người đi lao động ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
Đề cập đến những hạn chế, yếu kém, Thủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm, nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm phát sinh điểm nóng phức tạp.
Báo cáo Quốc hội về mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu cho năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện được những mục tiêu này, Chính phủ sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, đi cùng với thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ; tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi, trong đó có khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, đi cùng với kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí. Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án BOT, BT. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể phấn đấu năm 2018 cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nhất là nhóm các chỉ tiêu còn thấp để tiếp tục nâng cao hơn nữa chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt cơ cấu lại kinh tế, đồng bộ, toàn diện và thực chất.
Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ tập trung phát triển hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của người dân. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, đi cùng với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Thủ tướng khẳng định dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2017 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!