Ảnh minh họa: Hồng Điệp.
Hiện kho dự trữ quốc gia của Indonesia chỉ còn 594.000 tấn. Lượng gạo nhập khẩu sẽ chỉ được sử dụng trong một số điều kiện như giảm nhẹ thiên tai, bình ổn thị trường và một số hoạt động khác của Chính phủ. Gạo nhập khẩu sẽ được giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn rò rỉ ra thị trường.
Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia không đề cập đến nguồn gốc gạo nhập khẩu, đồng thời đảm bảo rằng gạo nhập khẩu sẽ không gây trở ngại cho nông dân địa phương.
Theo đó, Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia sẽ liên tục theo dõi và duy trì giá ngũ cốc và gạo sản xuất trong nước ở mức giá hợp lý. Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto thông báo Chính phủ Indonesia sẽ thu xếp các khoản vay lãi suất thấp cho 2 công ty lương thực nhà nước là Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) và PT RNI Persero (ID Food) để đảm bảo duy trì nguồn dự trữ lương thực quốc gia.
Ông Airlangga cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính xây dựng cơ chế cho các khoản vay dành cho Bulog và ID Food với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Trong cuộc họp nội các ngày 6/12, Tổng thống Joko Widodo cũng chỉ đạo các Bộ và cơ quan liên quan tăng dự trữ quốc gia, không chỉ đối với gạo mà tất cả các mặt hàng khác.
Theo ông Airlangga, điều này sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ bất ổn kinh tế trong năm 2023 với các cuộc khủng hoảng lương thực, tài chính và sụt giảm xuất khẩu. Kho dự trữ quốc gia sẽ phải bổ sung thêm tất cả các mặt hàng, bao gồm gạo, ngô, đậu tương, hẹ, tỏi, thịt bò, thịt gà, trứng, đường ăn, dầu ăn và ớt.
Trước đó ngày 23/11, Chủ tịch - Tổng giám đốc Bulog, ông Budi Waseso cho biết chính phủ đã giao nhiệm vụ cho cơ quan này nhập khẩu gạo để đảm bảo kho dự trữ quốc gia, hiện chỉ còn 594.000 tấn. Theo chỉ thị này, Bulog được giao nhiệm vụ mua 500.000 tấn gạo từ thị trường trong nước và nhập khẩu 500.000 tấn để đảm bảo kho dự trữ quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!