Chiến lược tái công nghiệp hóa châu Âu

VTV Digital-Thứ hai, ngày 29/05/2023 14:01 GMT+7

VTV.vn - "Tái công nghiệp hóa châu Âu" đang là ý tưởng xuyên suốt được các nhà lãnh đạo lục địa này nhắc tới hậu đại dịch COVID-19 và sau khi nổ ra cuộc xung đột tại kraine.

Pháp công bố kế hoạch tái công nghiệp hóa

Chiến lược tái công nghiệp được hiểu là tự chủ chiến lược trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đây được cho là một nỗ lực của EU trong việc củng cố đoàn kết nội khối. Ý tưởng thành lập chiến lược này do Đức và Pháp khởi xướng.

Mới đây nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch "Tái công nghiệp hóa" của nước này nếu không muốn bị lệ thuộc hay trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước lớn khác. Bên cạnh đó, Pháp quyết tâm cải thiện tỷ trọng ngành công nghiệp vốn chỉ còn chiếm 10% trong tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu.

Một loạt ưu tiên cho chiến lược tái công nghiệp hóa của Pháp được công bố. Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thời gian xét duyệt các dự án công nghiệp mới từ 17 - 18 tháng hiện nay xuống chỉ còn 9 tháng. Để có mặt bằng cho nhà máy công nghiệp khi đất đai khan hiếm, chính phủ sẽ đầu tư 1 tỷ Euro vào việc "giải tỏa" các cơ sở bỏ hoang.

Ưu tiên thứ hai đó là tăng cường đào tạo. Pháp cam kết chi 700 triệu Euro để phát triển nguồn nhân lực, dự kiến sẽ tạo ra 15.000 nhân lực mới.

Ưu tiên thứ ba là thành lập "Quỹ tín dụng thuế công nghiệp xanh" dành cho các công nghệ như pin điện, máy bơm nhiệt, tuabin gió hoặc tấm pin mặt trời. Từ nay đến năm 2030, Pháp sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ Euro triển khai.

"Công cuộc tái công nghiệp hóa là chìa khóa đối với nền kinh tế. Chúng ta cần làm việc nhiều hơn, nhiều nguồn vốn hơn, nhiều tiến bộ về kỹ thuật hơn và cả sự độc lập hơn cho nước Pháp trong một thế giới với những biến động địa chính trị đầy bất ổn", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh.

Chiến lược phục hồi công nghiệp chế tạo xe đạp tại châu Âu

Mới nhất, trong sự kiện "Hãy chọn nước Pháp" diễn ra giữa tháng 5 này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ hơn 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia để kêu gọi đầu tư vào Pháp. Sự kiện đã thu hút số vốn đầu tư kỷ lục lên tới 13 tỷ Euro, trong đó dự án lớn hơn cả là nhà máy sản xuất pin thế hệ mới trị giá 5,2 tỷ Euro của một tập đoàn đến từ Đài Loan, Trung Quốc.

Trong bức tranh chung của kế hoạch tái công nghiệp hóa châu Âu, kế hoạch này luôn phải gắn với cuộc cách mạng xanh, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Chiến lược tái công nghiệp hóa châu Âu - Ảnh 1.

Bối cảnh thị trường đang rất thuận lợi cho những nước châu Âu sản xuất xe đạp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Nghị viện châu Âu đã thông qua "Chiến lược Xe đạp", nhằm khôi phục ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo xe đạp, trước nhu cầu đang bùng nổ. Chiến lược đó tập trung vào xe đạp điện cho gia đình, cũng như cho các doanh nghiệp du lịch, giao nhận vận tải và hạ tầng cho xe đạp.

Trước đây hàng chục năm, nhiều nước châu Âu như Pháp, Italy, Đức… đã từng nổi tiếng về những dòng xe đạp dáng đẹp và bền bỉ. Tuy nhiên sản xuất xe đạp đã dần dần được chuyển sang gia công ở các nước châu Á.

Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy cho biết, quá trình này đang dần đảo ngược. Nghị viện châu Âu đã đưa ra "Chiến lược Xe đạp", khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ sản xuất xe đạp và linh kiện xe đạp chế tạo tại châu Âu. Chiến lược đó cũng thúc đẩy các nước châu Âu tăng mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe đạp, tạo ra mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp ngang dọc khắp châu Âu, tạo thuận lợi trong kết hợp giữa xe đạp và các phương tiện khác, chẳng hạn như có thêm chỗ cho xe đạp trên tàu hỏa và tăng diện tích bãi để xe đạp tại các nhà ga.

Bối cảnh thị trường đang rất thuận lợi cho những nước châu Âu sản xuất xe đạp. Tờ Jornal de Negócios của Bồ Đào Nha viết: "Bồ Đào Nha vẫn là nước sản xuất xe đạp nhiều nhất Liên minh châu Âu, tiếp theo là Romania, Itay và Đức. Ngành công nghiệp xe đạp ở châu Âu đang phát triển theo cấp số nhân, thu hút nhiều vốn từ các quỹ đầu tư. Năm ngoái, xuất khẩu xe đạp mang về cho Liên minh châu Âu 921 triệu Euro".

Vấn đề là châu Âu sản xuất xe đạp lúc này chủ yếu là thiết kế và lắp ráp. Đa số linh kiện vẫn thuê gia công tại châu Á. Tờ Tây Pháp viết: "Sau giai đoạn đỉnh cao những năm 1970, ngành công nghiệp Pháp đã chuyển sản xuất xe đạp và đặc biệt là linh kiện ra nước ngoài. Phanh xe, lốp xe…, 90% linh kiện xe đạp Pháp nay sản xuất tại châu Á". Theo bài báo, mục tiêu lúc này là đưa toàn bộ quy trình, thiết kế, sản xuất cho đến bán hàng về lại Pháp.

Lợi nhuận siêu ngạch từ xe đạp điện là chính, không phải từ xe đạp cơ. Một tờ tạp chí Hà Lan viết: "Thị trường đang bùng nổ. Các công ty sản xuất linh kiện xe hơi như Bosch, Brose, Continental và Schaeffer trong một năm đã đầu tư hơn 5 tỷ Euro cho sản xuất xe đạp điện. Xe đạp điện có giá bán rất cao. Một chiếc xe có thùng chở trẻ em giá bán khoảng 5.000 Euro, phụ kiện lắp thêm cũng có thể lên tới 1.000 Euro, 150 triệu đồng Việt Nam cho một chiếc xe đạp điện. Các công ty giao nhận vận tải tiếp tục đặt mua số lượng lớn xe đạp điện chở hàng. Chiến lược của châu Âu dự kiến hỗ trợ thuế thêm cho doanh nghiệp sản xuất xe đạp, vừa hồi sinh một ngành công nghiệp chế tạo, lại vừa đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh thân thiện môi trường".

Châu Âu vốn được biết đến là nơi khởi nguồn của các cuộc cách mạng công nghiệp. Ý tưởng xây dựng một chiến lược tái công nghiệp hóa châu Âu không phải là ý tưởng là rất cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên để đi đến sự đoàn kết, thống nhất về một chiến lược thực sự sẽ cần mất một thời gian, nhưng nếu từng bước tái công nghiệp hóa ở những sản phẩm cụ thể thì tiếng nói chung ủa 27 nước thành viên EU sẽ phần nào dễ đạt được hơn.

Kinh tế châu Âu phục hồi tích cực Kinh tế châu Âu phục hồi tích cực

VTV.vn - Nhờ giá năng lượng thấp, tiêu thụ khí đốt giảm, nguồn cung được đa dạng hoá nhanh chóng, cùng sự cải thiện của thị trường lao động đã giúp nền kinh tế châu Âu phục hồi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước