COVID-19 lan nhanh toàn cầu khiến nhiều nền kinh tế phải đối mặt thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. GDP và thương mại toàn cầu sụt giảm, các nước buộc phải áp dụng những gói cứu trợ và chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có
Ngân hàng thế giới WB,Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, và nhiều định chế kinh tế lớn đều có đánh giá chung là tăng trưởng toàn cầu sẽ âm từ 5-6% năm nay, và đây là năm kinh tế suy thoái nặng nề nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 3,6% và khiến 100 triệu người người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Còn theo tổ chức lao động quốc tế ILO, 81% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương khoảng 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động bởi dịch bệnh, do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.
Trong bức tranh u ám chung, chỉ có một số ít nơi được đánh giá là điểm sáng tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% trong năm 2020. Mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm. Song đây là mức tăng trưởng thuộc Top đầu thế giới.
Để đạt được mức tăng trưởng 2,91%, nền kinh tế Việt Nam đã phải chiến đấu một cách rất kiên cường linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm, trước những khó khăn có thể nói là chưa từng có
Tuy nhiên để có thể đạt được mức tăng trưởng ấn tượng này, nền kinh tế Việt Nam đã phải chiến đấu một cách rất kiên cường linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm, trước những khó khăn có thể nói là chưa từng có.
Như vào tháng 1, Trung quốc có lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán và tuyên bố đóng cửa các chợ biên giới. Hình ảnh các xe thanh long, dưa hấu, xoài ùn ứ ở cửa khẩu, không thể xuất đi được có lẽ vẫn chưa thể quên với rất nhiều người. Tình trạng kéo dài nhiều tháng trời, chuỗi cung ứng đứt gẫy ngày càng rõ rệt.
Trong 10 quốc gia bị dịch COVID-19 hoành hành ghê gớm nhất, lại đều là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc đình trệ sản xuất và tiêu dùng các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới làm cho đình trệ nền kinh tế trên toàn cầu.
Không chỉ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, vào những thời điểm COVID-19 tăng mạnh và bất thường như tháng 4 và tháng 6, đã tác động tới tất cả mọi ngành nghề, đặc biệt là các ngành mũi nhọn như dịch vụ, hàng không, tiêu dùng. 2020 chính là năm chứng kiến nhiều điều chưa từng có với kinh tế Việt Nam.
Hơn 30 triệu công nhân đã bị ảnh hưởng ở thời kỳ cao điểm nhất chống dịch COVID-19. Chưa bao giờ GPD của quý II giảm xuống còn 0,36%, mức thấp nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hơn 35 năm qua. Cũng chưa bao giờ, đã hết một nửa năm 2020 mà xuất khẩu vẫn giảm do đứt gẫy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới chưa biết khi nào mới nối lại
Đại dịch COVID-19 được ví như đêm tối của kinh tế, buộc chúng ta phải xoay sở mọi cách để tự thắp lên ánh sáng, để tồn tại. Tuy nhiên trong hoàn cảnh khó khăn đã chứng minh sự thích nghi, vượt khó tuyệt vời của các doanh nghiệp Việt. Và những chiếc bánh mì thanh long được xem là ví dụ tiêu biểu cho điều này.
Bánh mì thanh long được xem là một điểm nhấn - một biểu tượng "vượt khó" của doanh nghiệp Việt trong mùa COVID-19
Giữa vào thời điểm khó khăn nhất, một doanh nghiệp đã giới thiệu chiếc bánh mì thanh long. Nhờ sáng tạo, doanh thu của doanh nghiệp này không hề sụt giảm, thậm chí cao điểm có thể tiêu thụ 30.000 ổ bánh mì thanh long/ngày.
Sự ra đời của bánh mì thanh long được xem là một điểm nhấn - một biểu tượng "vượt khó" trong mùa COVID-19.
Và sáng tạo này cũng truyền được cảm hứng cho các cá nhân, doanh nghiệp làm ra: bánh cuốn thanh long, pizza thanh long hay hủ tiếu thanh long… Tất cả đều từ loại nông sản đang bị ùn ứ và tiêu thụ khó khăn trong dịch…
Năm 2020, dù rất khó khăn, song Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã tránh được những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch. Chúng ta không những chống dịch hiệu quả mà đã giữ vững được mục tiêu là ổn định kinh tế và đặc biệt là ổn định xã hội, với khẩu hiệu không bỏ ai ở lại phía sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!