FIFA đạt doanh thu kỷ lục 7,5 tỷ USD nhờ World Cup 2022
Trái bóng của FIFA World Cup 2022 chỉ vừa chính thức lăn được vài ngày, nhưng Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã kịp thu về được một con số khổng lồ từ sự kiện này.
Trong bản công bố mới nhất của FIFA, tổ chức này đã đạt doanh thu 7,5 tỷ USD trong vòng 4 năm qua từ các hợp đồng thương mại liên quan đến World Cup 2022, tăng hơn 1 tỷ USD so với kỳ World Cup trước, và là mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay.
Con số này có được nhờ việc FIFA ký được hàng loạt hợp đồng tài trợ mới, trong đó có nhiều doanh nghiệp của nước chủ nhà.
Là tổ chức nắm bản quyền của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh, không ngạc nhiên khi FIFA có nguồn thu rất lớn từ World Cup.
Ngành du lịch Qatar tiếp đón lượng khách khổng lồ
Nước chủ nhà Qatar cũng đang rất chờ đợi vào những cơ hội kinh tế khi được đăng cai World Cup đầu tiên ở Trung Đông, trước hết sẽ là hàng triệu người hâm mộ toàn cầu tới đây thưởng thức các trận đấu.
Những ngày qua, những hàng dài người hâm mộ đang chờ đợi làm thủ tục nhận phòng tại các khu vực Làng cổ động viên, làm nơi nghỉ ngơi trong những ngày tới Qatar theo dõi World Cup.
Đăng cai World Cup 2022 được xem như một phương tiện để Qatar phát triển du lịch. (Ảnh: Global Time)
"Chúng tôi vừa đến Doha hôm nay và đã đặt chỗ ở tại đây. Không gian buồng khá ổn, có nhiều tiện ích xung quanh như quán ăn và siêu thị nữa. Thật là tốt", anh Carlos Contreras, cổ động viên từ Mexico, chia sẻ.
"Khi đến lễ tân, chúng tôi phải chờ gần 1 giờ để checkin vì máy tính gặp trục trặc. Buồng phòng thì không tệ, dù sao đây cũng là công trình tạm thời. Phía bên cạnh có nhiều sân chơi thể thao và màn hình lớn. Tôi nghĩ là cũng ổn", anh Neil Gahan, cổ động viên từ Anh, cho biết.
Các làng cổ động viên là một trong những lựa chọn dành cho người hâm mộ và những du khách tới Qatar dịp này với mức giá khá phải chăng. Các nhà tổ chức đã chuẩn bị hơn 130.000 phòng lưu trú cho du khách trong thời gian diễn ra World Cup, từ các khách sạn và phòng ở sẵn có, du thuyền cho tới những khu vực lưu trú tạm thời.
"Chỉ riêng làng cổ động viên này đã có khoảng 6.000 buồng cabin, với mức giá từ 200 - 270 USD/buồng/đêm. Người hâm mộ cũng có thể tìm kiếm những lựa chọn khác như phòng homestay hay khách sạn nổi trên du thuyền và đặt chỗ trên trang web của ban tổ chức", ông Omar Al Jaber, Giám đốc phụ trách lưu trú, Ủy ban tổ chức World Cup 2022 của Qatar, cho hay.
Bên cạnh nơi ở, Qatar cũng tăng mạnh công suất hệ thống giao thông công cộng phục vụ khán giả tới sân và người có vé xem trận đấu sẽ được miễn phí xe bus và tàu điện ngầm. Hơn 120 chuyến bay hàng ngày nối giữa thủ đô Doha với Dubai - đầu mối hàng không lớn nhất Trung Đông, tạo thuận lợi tối đa cho 1,2 triệu du khách dự kiến tới đây trong mùa World Cup, bằng hơn 1/3 dân số của quốc gia này.
Tham vọng chuyển đổi nền kinh tế của Qatar
Từ trước đến nay, nhắc đến Qatar, người ta sẽ nghĩ ngay đến một quốc gia sống nhờ vào dầu khí. Nước này không giấu tham vọng, World Cup 2022 sẽ là bước khởi đầu cho việc chuyển đổi nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Giới chức Qatar cho biết World Cup 2022 sẽ là kinh nghiệm nhằm thúc đẩy nước này trở thành trung tâm du lịch tại Trung Đông. Đồng thời Qatar đang sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán nước này cũng đã tăng vọt trong những tháng gần đây, cho thấy sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư từ các cơ hội hiện nay.
"World Cup 2022 rất phù hợp với những kế hoạch phát triển của chúng tôi, bởi nó tạo ra sự chú ý từ thế giới, và cho thấy rằng Qatar đã sẵn sàng tiến sang giai đoạn mới với một nền kinh tế tri thức, chuyển dịch khỏi năng lượng hóa thạch, hấp dẫn với du khách cũng như thương mại và nguồn vốn quốc tế", ông Nasser Al Khater, Giám đốc điều hành Ủy ban tổ chức World Cup 2022 của Qatar, cho biết.
World Cup đắt nhất và World Cup hiệu quả nhất
Kỳ vọng vẫn là câu chuyện tương lai, còn ở hiện tại, con số mà Qatar đã chi ra cho giải đấu lần này đã phá kỷ lục của các kỳ World Cup trong lịch sử.
Ngay từ bây giờ, các nước chủ nhà cho kỳ World Cup tiếp theo cũng đã phải tính toán cơ bản xong công tác chuẩn bị. Làm sao để đạt hiệu quả cao nhất từ nguồn kinh phí của FIFA là điều Mỹ, Canada và Mexico trăn trở vào lúc này.
FIFA World Cup 2022 đã bắt đầu khởi tranh ở Qatar. Mặc dù không phải là môn thể thao phổ biến ở Mỹ, nhưng ngày hội bóng đá thế giới cũng nhận được sự quan tâm nhất định của báo giới, đặc biệt là sau kỳ World Cup 1994.
Bloomberg có bài: "Qatar xây những gì cho kỳ World Cup đắt nhất lịch sử?" Theo bài báo, 12 năm kể từ khi quốc gia nhỏ bé, giàu khí đốt nhận quyền đăng cai World Cup, nước này đã chi 300 tỷ USD chuẩn bị cho giải. Đó là kinh phí để chuyển đổi cơ sở hạ tầng và biến những sa mạc thành những sân cỏ xanh.
Giải cũng được kỳ vọng mang về doanh thu kỷ lục, vượt mức 5,4 tỷ USD mà World Cup 2018 ở Nga đã làm được. Giá trị chủ yếu đến từ bản quyền truyền hình khi kỳ lần trước có tới 3,6 tỷ người xem. Lần này cũng không kém.
Reuters tiết lộ nguồn thu chủ yếu nữa đến từ bán vé. Người hâm mộ đến Qatar lần này sẽ phải trả thêm 40% giá trị vé xem các trận so với trận tương tự tại Nga 4 năm trước, nghĩa là mỗi vé có giá khoảng 812 USD (hơn 20 triệu đồng). Đây là mức giá vé cao nhất trong 20 năm nay củaWorld Cup. Riêng vé trận chung kết còn có giá cao hơn 59% so với vé ở Nga.
Tuy nhiên theo FIFA, gần 3 triệu vé ở 8 sân vận động của Qatar đã được mua sạch ngay trước khi World Cup khởi tranh. FIFA chỉ chuyển một phần so với nguồn thu đó cho nước chủ nhà.
Đó là câu chuyện của Qatar không ngại chi tiền, chưa hoàn thiện cơ sở vật chất và cũng là lần đầu tổ chức. 4 năm tới, World Cup sẽ được tổ chức tại Mỹ, Canada và Mexico. Nước Mỹ sẽ là chủ nhà của hầu hết các trận đấu và đăng cai phải "có lãi" là điều nước này đang hướng tới.
Theo dự kiến, sẽ có 60 trận đấu diễn ra ở Mỹ, 20 trận chia đều cho Mexico và Canada. Đây cũng sẽ là kỳ World Cup đầu tiên thi đấu theo format 48 đội, thay vì 32 như hiện nay. 11 sân vận động ở 11 thành phố đăng cai đã được công bố, trong đó có nhiều sân được tận dụng lại từ kỳ World Cup 1994, hầu hết là chuyển đổi từ sân bóng bầu dục. Giải đấu năm 94 đã thu hút được 3,59 triệu lượt dự xem, một con số kỷ lục. Giải đấu tới được kỳ vọng tương tự.
Trang tài chính của CNN cho rằng, giữ cho chi phí cơ sở hạ tầng thấp là cách tốt nhất để World Cup có lãi. Kỳ World Cup năm 1994, Mỹ chỉ phải chi có vẻn vẹn 5 triệu USD (hơn 124 tỷ đồng) so với 3,6 tỷ USD sau này của Brazil. 94 là kỳ World Cup hiệu quả về kinh tế nhất so với 5 kỳ gần đây. Nước Mỹ đang cố gắng áp dụng việc này vào kỳ World Cup tới.
Theo ban tổ chức, sẽ không có chi phí công lớn để tổ chức kỳ World Cup thành công. Tuy nhiên dự báo sự kiện này sẽ giúp tạo ra 5 tỷ USD nguồn thu từ các hoạt động kinh tế liên quan.
Lãi lớn là điều có thể nhìn thấy trước với nước Mỹ ở kỳ World Cup 2026 sắp tới. Tuy nhiên, với Canada lần đầu tổ chức hay Mexico đã tổ chức từ lâu, kinh phí dự kiến sẽ rất lớn. Thêm vào đó, để tổ chức có lãi, việc tận dụng cơ sở hạ tầng của 11 thành phố trải dài từ đông sang tây, từ bắc xuống nam với 3 múi giờ khác nhau, đường bay xa nhất lên tới 6 tiếng… cũng có thể sẽ là thách thức lớn với các cầu thủ khi phải thích nghi và thi đấu.
Những sự kiện thể thao lớn như World Cup không chỉ có các cuộc thi đấu, mà bài toán kinh tế cũng không kém phần quan trọng. Nước chủ nhà nào cũng kỳ vọng số tiền mình bỏ ra, dù là bao nhiêu, cũng sẽ hữu ích không chỉ với sự kiện, mà cả trong tương lai.
Gà rán "nóng" cùng World Cup VTV.vn - Cổ phiếu của các công ty liên quan đến thịt gà đang “bùng nổ” mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!