“Chạy nước rút” giải cứu nông sản vùng dịch bệnh

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/02/2021 10:02 GMT+7

VTV.vn - Nhiều biện pháp giải cứu nông sản vùng dịch bệnh đang gấp rút triển khai nhằm tận dụng những ngày cuối của đợt cao điểm mua sắm Tết.

Tiêu thụ nông sản gặp khó khăn vì dịch bệnh

Những ngày này là những ngày cao điểm nhất của đợt mua sắm Tết. Đây cũng chính là những ngày nước rút để hỗ trợ tiêu thụ được tối đa nông sản, hoa màu của bà con. Nhất là bà con vùng dịch bệnh đang phải phong tỏa như Hải Dương, Quảng Ninh.

Dịch COVID-19 ập đến đúng lúc nhiều diện tích rau màu, trái cây, hoa đào của nông dân tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh bước vào cao điểm vụ thu hoạch phục vụ thị trường Tết. Thương lái bỏ cọc, doanh nghiệp e ngại, khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi bùng phát các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn, giá nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị giảm khoảng 10 - 20%. Thời điểm dịch bùng phát, gần 40% diện tích rau màu vụ đông của tỉnh chưa kịp thu hoạch.

“Chạy nước rút” giải cứu nông sản vùng dịch bệnh - Ảnh 1.

Những cây đào chờ người đến mua. Ảnh minh họa - Dân trí.

Tại Quảng Ninh, diện tích rau màu chưa thu hoạch còn trên 2.000 ha. Sản lượng lớn nhất là cà rốt, khoai tây nhưng mức độ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước chỉ 10%, chủ yếu là xuất khẩu 90%. Trong khi đó, kho bảo quản lạnh có hạn. Việc vận chuyển hàng hóa ra vào các địa phương khó khăn, chậm hơn bình thường. Các chợ dân sinh hạn chế, hoạt động buôn bán khó khăn, sức mua giảm.

"Tỉnh đã tích cực hỗ trợ, liên hệ với các Sở Công Thương của cả nước và đề nghị Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ cho tỉnh để giới thiệu sản phẩm nông sản của Hải Dương, cũng như việc mua và vận chuyển các sản phẩm qua các địa bàn được thuận lợi", ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết.

Đẩy nhanh hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Cùng với nông sản thực phẩm thì đào, quất cũng là niềm hy vọng của bà con ngày Tết. Với sự kêu gọi mỗi người dân, mỗi hộ gia đình ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ nông sản của tỉnh, hiện hơn một nửa sản lượng, hoa đào quất tại Đông Triều, Quảng Ninh đã được tiêu thụ.

Gia đình anh Đỗ Minh Tuyển (thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều) trồng trên 10 vạn cây hoa dơn và gần 5.000 cây hoa ly các loại để phục vụ mùa hoa Tết năm nay. Những ngày qua, cùng với việc lo lắng về tình hình dịch bệnh, gia đình anh còn lo lắng về việc sẽ mất trắng vụ hoa Tết. Tuy nhiên, với sự vào cuộc, đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, các xe vận chuyển được vào tận vườn, đến nay gia đình đã tiêu thụ được gần một nửa số hoa đã trồng.

"Buôn bán giờ thông thoáng hơn những hôm trước rất nhiều nên tiêu thụ hiện đang mạnh, giá cả cũng như mọi năm", anh Tuyển nói.

Cùng với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn, công tác phòng chống dịch cũng được thực hiện một cách chặt chẽ, đặc biệt là tại các chốt kiểm soát.

Thị xã Đông Triều hiện có trên 200 ha cây hoa cảnh phục vụ Tết, gần 220 ha trồng khoai tây đến vụ thu hoạch.

"Đối với hoa cúc hiện địa phương đã tiêu thụ được gần 50%, đối với hoa dơn được trên 40%, đối với quất các loại được khoảng 50%. Những ngày cận Tết còn lại, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp, tiểu thương đến thu mua, tiêu thụ nông sản cho bà con", ông Đặng Đình Thắng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cho biết.

“Chạy nước rút” giải cứu nông sản vùng dịch bệnh - Ảnh 2.

Các xe vận chuyển cùng hàng hóa đều được khử khuẩn khi ra khỏi khu vực phong tỏa. (Ảnh: VOV)

Ngoài tiêu thụ nội tỉnh, Hà Nội là thị tường hy vọng nhất để tiêu thụ nông sản cho các địa phương phía Bắc. Đặc biệt, hơn một nửa sản lượng của rất nhiều loại rau củ của Hải Dương, Quảng Ninh thu hoạch dịp tết là để chuyển về thủ đô.

Năm nay, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết riêng tại Hà Nội là gần 40.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đều có kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 7-20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, khi có thông tin về dịch bệnh, một số hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp từ vùng dịch.

"Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động trao đổi với với Sở Công Thương Hải Dương và Sở Công Thương Quảng Ninh cung cấp đầy đủ danh sách các hợp tác xã nông nghiệp hoặc các thương nhân thu gom đầu mối cung cấp trực tiếp cho các hệ thống phân phối trên địa bàn. Hiện nay 100% hệ thống phân phối trên địa bàn của chúng tôi đã ưu tiên nhập hàng cho Quảng Ninh và Hải Dương để đưa các sản phẩm vào bán tại các hệ thống siêu thị", bà Trần Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Mới đây, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố cơ chế hỗ trợ kinh phí tiêu thụ nông sản như: chi phí vận chuyển, đóng gói, vận động các doanh nghiệp thu mua, chế biến đối với các loại nông sản, nhất là nông sản đã đến kỳ thu hoạch.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước