Xử lý xác xe hơi cũ đang là ngành phát triển tại châu Âu, một phần do quy định bắt buộc các nước phải tái chế được 95% xác xe hơi. Mặt khác, do quy định khí thải ngặt nghèo hơn đã làm cho nhiều xe hơi đời cũ không còn đủ điều kiện lưu hành nên chỉ còn cách vứt bỏ.
Mỗi năm tại châu Âu có khoảng 20 triệu xe hơi kết thúc vòng đời tại bãi rác. Theo một quy định của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ 2 năm trở lại đây, các nước châu Âu phải tái chế được 95% xác xe hơi, do vậy, đây là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh
Theo tờ Les Echos, mỗi năm tại Pháp có tới 1,5 triệu chiếc xe hơi bị đưa ra bãi rác. Nếu tạm tính mỗi chiếc xe nặng 1 tấn, hàng năm Pháp phải xử lý tới 1,5 triệu tấn rác xe hơi.
Cả nước Pháp hiện có 4 nhà máy, tại đó xe cũ được gỡ rời từng mảnh, các chi tiết kim loại, thủy tinh, cao su hay nhựa được phân loại rồi nghiền nhỏ, biến thành nguyên liệu. Bài báo lấy ví dụ lốp xe; các linh kiện cao su và mút vải từ ghế xe sẽ biến thành chất đốt cho các nhà máy xi măng.
Còn theo tờ Folha De S.Paulo của Brazil, năm 2016, nước Pháp đã nâng tỷ lệ tái chế xác xe hơi lên tới mức chỉ còn 4% thực sự là rác không thể tận dụng được mà chỉ có đem đốt hay đem chôn. Do các hãng sản xuất xe buộc phải tăng tỷ lệ vật liệu dễ tái chế nên hiện có những linh kiện đạt mức tái chế 100% như ắc quy. Ngay cả dầu bẩn trong máy xe cũng đạt mức tái chế tuyệt đối ấy. Ngoài tôn và sắt từ thân xe là thứ dễ bán, các nhà máy xử lý xác xe hơi còn tách được cả kim loại đắt tiền trong một số linh kiện của xe.
Vấn đề lúc này là phải tốn 40 EUR để xử lý xác một chiếc xe hơi mà tiền thu về từ bán phế liệu do chiếc xe đó mang lại cũng chỉ khoảng 40 EUR. Theo tờ Ouest France, một nhà máy xử lý xác xe hơi có đầu tư lên tới 75 triệu EUR không thể chỉ trông chờ nguồn thu từ tôn, thép, thủy tinh, cao su phế liệu. Một vấn đề nữa là, cho dù tỷ lệ tái chế đã rất cao, vẫn có gần 4% rác không thể tái chế được.
Vì thế, nhiều nước châu Âu tiếp tục áp dụng cách làm từ xa xưa. Theo tờ Salzburger ra tại Áo, có tới 80% tổng số xe hơi sắp đến lúc phải vứt đi tại nước này được bán sang Đông Âu và châu Phi. Các nhà máy tái chế này cũng lọc ra những bộ phận còn tốt của chiếc xe như cánh cửa, động cơ, hộp số… trước khi đem xác xe đi nghiền. Đó cũng là những thứ xuất khẩu được. Các nước đã nhập xe hơi cũ nát cũng sẽ đến lúc phải mua linh kiện xe hơi đời cũ để thay thế. Do đó, tái chế theo cách đó, lợi nhuận sẽ cao hơn mà không phải lo chôn hay đốt rác.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!