Châu Âu tham vọng xây dựng thị trường tài chính chung

Thường trú Truyền hình Việt Nam tại châu Âu-Thứ năm, ngày 18/04/2024 21:30 GMT+7

VTV.vn - Xây dựng một thị trường tài chính chung cho toàn bộ các nước sử dụng đồng tiền chung Euro được cho là một trong những giải pháp chủ yếu.

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu đang họp thượng đỉnh bất thường tại Bruxelles để tìm cách củng cố sức cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu.

Thị trường chung châu Âu, sau hàng chục năm, vẫn chỉ là thị trường chung về hàng hoá và dịch vụ, chứ nguồn vốn tài chính thì vẫn phân mảnh. Dù cho có 20 nước sử dụng chung một đồng tiền Euro, thì vẫn là mỗi nước một sàn chứng khoán riêng biệt. Từ khi Mỹ công bố Đạo luật Giảm lạm phát nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ, vốn tài chính từ châu Âu đã đổ vào Mỹ với lưu lượng rất lớn. 

Các quỹ đầu tư châu Âu mỗi năm chuyển sang Mỹ khoảng 300 tỷ Euro đầu tư vào các công ty Mỹ, và trong nhiều trường hợp, các công ty Mỹ dùng chính nguồn tiền từ châu Âu để thâu tóm doanh nghiệp châu Âu. Lãnh đạo châu Âu muốn đối phó với hiện trạng đó bằng cách tạo lập thị trường chung về vốn.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết: "Thị trường vốn là phương thức huy động đầu tư tư nhân cho nền kinh tế thực, tạo thêm việc làm có chất lượng, phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thực. Còn về đầu tư nhà nước, chúng tôi đang thảo luận, làm thế nào để đảm bảo rằng, ngân sách công của từng nước sẽ chỉ được sử dụng làm đòn bẩy và không làm phân mảnh thị trường nội địa".

Thượng đỉnh châu Âu đang thảo luận theo hướng khuyến khích đưa tiết kiệm vào đầu tư, tạo hành lang rộng rãi hơn cho giới đầu tư tài chính. Theo ước tính, người dân châu Âu đang gửi khoảng 9.000 tỷ Euro trong các tài khoản tiết kiệm, với lãi suất không đáng kể, còn nếu tính cả số tiền trong tài khoản thanh toán, thì tổng số lên tới 33.000 tỷ Euro. Liên minh thị trường vốn được kỳ vọng huy động được một phần trong số tiền đang ngủ yên đó thành vốn đầu tư, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp châu Âu phát triển đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh.

"Vấn đề chính là làm thế nào huy động tiền tiết kiệm của người châu Âu và làm thế nào để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi tiền tiết kiệm thành vốn đầu tư diễn ra suôn sẻ và tạo ra nguồn tài chính cần thiết. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng, không chỉ nước Mỹ mới có khả năng tạo ra Đạo luật Giảm lạm phát", ông Enrico Letta - Báo cáo viên về Tương lai Thị trường chung châu Âu nói.

Trong cuộc họp vẫn đang diễn ra, lãnh đạo châu Âu còn tìm cách liên kết thị trường năng lượng và viễn thông, và cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp, cũng là những giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm sức cạnh tranh của công nghiệp châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước