Căng thẳng vùng Vịnh leo thang có gây bất ổn giá dầu?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 15/06/2019 12:50 GMT+7

VTV.vn - Liên tiếp các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu tại tuyến hàng hải huyết mạch gần Iran. Bất ổn địa chính trị có thổi bùng giá dầu lên cao?

Thị trường năng lượng thế giới rúng động sau cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu và hóa chất gần eo biển Hoocmut, vùng biển nằm giữa Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iran. Vụ tấn công xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, khi mới chỉ 1 tháng trước, hôm 12/5, 4 tàu thương mại khác cũng bị cho là đã "trúng mìn" tại vùng biển ngoài khơi UAE. 

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra: Ai là thủ phạm đứng đằng sau những vụ tấn công này? Không mất quá nhiều thời gian, Chính phủ Mỹ ngay lập tức đã đưa ra cáo buộc nhằm vào Iran.

"Đánh giá của Chính phủ Mỹ cho thấy, Iran chịu trách nhiệm về các vụ tấn công xảy ra ở Vịnh Oman. Vào ngày 22/4, Iran đã hứa với thế giới rằng họ sẽ làm gián đoạn dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz. Bây giờ họ đang thực hiện theo lời hứa đó" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.

Ngay lập tức, Iran phủ nhận mọi sự liên quan tới vụ tấn công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Bloomberg, nếu Iran thực sự đứng đằng sau các vụ tấn công, nước này đã có thể gửi đi 1 thông điệp rằng, việc di chuyển qua tuyến vận tải đường biển quan trọng hàng đầu thế giới sẽ không an toàn, nếu không được Tehran ủng hộ. Dẫu sao, có vẻ những ích lợi như vậy là quá nhỏ bé nếu so với những rủi ro mà hành động này có thể đem lại.

Nếu nhìn lại lịch sử, những sự cố như vừa qua khá giống với những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq thập niên 1980.

Khi đó,hai bên cũng tiến hành các chiến dịch tấn công vào tàu của nhau tại vùng Vịnh. Thời điểm đó cũng trùng đúng vào lúc sản lượng của OPEC sụt giảm lớn. Tuy nhiên thực tế, nếu đi sâu vào phân tích, lần này, thị trường có vẻ như bớt nhạy cảm hơn với những biến động địa chính trị. Mức bật tăng 4,5%, rồi giảm xuống 2% của giá dầu vừa qua đáng lo ngại nhưng không quá lớn. Điều này đến từ việc nền kinh tế thế giới đang chứng kiến đà đi xuống do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như Mỹ giờ đây đã có nguồn dầu khí đá phiến thay thế.

Tất nhiên, không thể phớt lờ một thực tế là thị trường dầu đang rất mong manh cùng lúc phải hứng chịu nhiều cú sốc từ Iran, Venezuela cho tới Libya. Nếu để vùng Vịnh rơi vào một vòng xoáy đụng độ sẽ rất khó lường.

Nếu so với những vụ việc tương tự trong quá khứ, khi giá dầu có thể dao động từ 5-10% thì tác động của vụ tấn công lần này là không quá lớn, chủ yếu là bởi vàng đen đang phải đối mặt với nhiều sức ép giảm giá. 

Theo các chuyên gia, một trong những lý do chính khiến giá dầu khó có thể cất cánh nằm ở sự dư thừa nguồn cung. Các số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, dự trữ dầu của Mỹ đã tăng thêm 2,2 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn 8% so với mức trung bình 5 năm. Đây cũng là yếu tố đẩy giá dầu giảm tới 4% trong trong phiên giao dịch hôm 12/6 - chỉ 1 ngày trước vụ tấn công.

Bên cạnh đó, việc Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, đứng đầu là Arab Saudi vẫn chưa thể đạt được bước tiến đáng kể trong việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Khả năng giá dầu rơi xuống dưới 40 USD/thùng, thậm chí là 30 USD đã được nhắc tới.

Trong khi nguồn cung vẫn ở mức cao, nhu cầu về dầu lại đang xuống thấp. Cơ quan năng lượng quốc tế IEA đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu do những lo ngại về chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều có xu hướng giảm tốc, giá dầu sẽ tiếp tục hứng chịu áp lực giảm giá lớn trong thời gian tới.

Tính đến hết phiên giao dịch đêm 14/6 (theo giờ Việt Nam), lực đẩy từ căng thẳng địa chính trị Trung Đông đã không thể giúp vàng đen tránh khỏi 1 tuần giảm giá. Điều này phần nào cho thấy, tác động từ các vụ tấn công lên giá dầu trong ngắn hạn là không quá lớn.

Các quốc gia vùng Vịnh đều đang quan sát động thái của Mỹ, để xem liệu Washington có quyết định đưa ra biện pháp mạnh tay hơn để trừng phạt Tehran hay không. Tuy nhiên, theo như lời ông Bassam Raja, chuyên gia nghiên cứu chính trị tại khu vực Trung Đông, căng thẳng nhiều khả năng sẽ không leo thang. Và trừ khi có những biến động quá lớn, nếu không, trong thời gian tới, thị trường tài chính vẫn sẽ ổn định và giá dầu tiếp tục có xu hướng giảm.

LHQ kêu gọi điều tra vụ tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman LHQ kêu gọi điều tra vụ tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman

VTV.vn - Ngày 14/6, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập để xác định thủ phạm gây ra các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu trên vịnh Oman.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước