Căng thẳng tại Trung Đông và tác động lên nền kinh tế

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 17/08/2024 16:38 GMT+7

VTV.vn - Dầu mỏ và năng lượng luôn là một thế mạnh của Trung Đông. Và trong những cuộc xung đột, thế mạnh này lại được đem ra để gây sức ép lên đối phương.

Nạn nhân của những đợt tấn công

Chắc nhiều người trong số chúng ta đã từng được nghe câu chuyện Ngàn lẻ một đêm- câu chuyện cổ tích nổi tiếng của vùng Trung Đông. Và hiện thời, rất nhiều những xứ sở của Ngàn lẻ một đêm đang rơi vào một cuộc xung đột chính trị- quân sự leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ở thời hiện đại, kho báu của Trung Đông chính là những giếng dầu. Và khi xung đột nổ ra, tài nguyên dầu mỏ quý giá này đôi khi lại là nạn nhân của những đợt tấn công. Ví dụ, vào tháng 1 năm nay, Iran tuyên bố bắt giữ một tàu chở dầu ở vịnh Oman. Con tàu St Nikolas chở 145.000 tấn dầu từ cảng Basra của Iraq đang đi qua kênh đào Suez thì mất liên lạc và bị bắt giữ. Cách đây hai ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, rất có thể nước này sẽ thắt chặt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran như một cách gây sức ép.

Những thùng dầu quý giá vẫn phải đi đường biển được coi là huyết mạch của dầu mỏ tại Trung Đông. Đó là kênh đào Suez, và eo biển Hormuz. Đặc biệt là eo biển Hormuz. Khoảng 30% lượng dầu mỏ giao dịch trên toàn cầu là đi qua eo biển này. Nó đặc biệt quan trọng với các nước xuất khẩu dầu như ẢRap Xê út, Iraq hay UAE. Nhưng đồng thời tàu chở dầu đi qua đây cũng dễ bị tấn công vì mực nước nông và có những đoạn rất gần đất liền.

Vận chuyển dầu bị gián đoạn thì giá dầu dễ tăng, giá dầu tăng thì giá xăng, giá nhiên liệu tăng theo. Đây là viễn cảnh tuy chưa xảy ra nhưng chắc không nền kinh tế nào muốn.

Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận định: "Trung Đông đang ở một bờ vực nguy hiểm. Bây giờ là lúc phải hạ nhiệt, phải giảm bớt căng thẳng và kiềm chế tối đa từ các bên".

Tuy nhiên, để đàm phán và hạ nhiệt lại là chuyện không đơn giản. Và hiện tại, thị trường dầu mỏ cũng như các nền kinh tế vẫn đang phải hướng sự chú ý tới những diễn biến nóng ở Trung Đông.

Căng thẳng tại Trung Đông và tác động lên nền kinh tế - Ảnh 1.

Ở thời hiện đại, kho báu của Trung Đông chính là những giếng dầu

Căng thẳng Trung Đông và những tác động tới thị trường

Dầu mỏ và năng lượng luôn là một thế mạnh của Trung Đông. Và trong những cuộc xung đột, thế mạnh này lại được đem ra để gây sức ép lên đối phương.

Cho tới lúc này, không nhiều người tin rằng sẽ có một cuộc chiến tranh tổng lực giữa Iran và Israel. Song điều mà người ta lo ngại nhất hiện nay là Iran và các lực lượng thân cận như Hezbollah hay Houthis sẽ lựa chọn một hành động không đến mức gây ra một cuộc chiến tranh tổng lực, nhưng lại sẽ làm rúng động thị trường toàn cầu để chứng tỏ uy thế của mình. Và để làm rúng động thị trường toàn cầu, không chỉ có dầu mỏ, cả nguồn cung khí hóa lỏng, cũng đang là một trong những khía cạnh rất dễ bị tác động bởi những căng thẳng hiện nay. Eo biển Hormuz là nơi trung chuyển 1/4 tổng lượng thương mại dầu thô và 1/3 tổng lượng khí hóa lỏng xuất khẩu của thế giới. Biển Đỏ, kênh đào Suez cũng là nơi 10% tổng số tàu chở dầu và 8% tổng số tàu chở khí hóa lỏng trung chuyển qua.

Thời gian qua, lực lượng Houthi vẫn không ngừng tấn công trên biển Đỏ. Song tác động không quá ghê gớm, bởi người ta cho rằng năng lực Houthi cũng chỉ có mức độ. Nhưng nếu rồi đây, sẽ không chỉ có Houthi hành động tại biển Đỏ mà cả các lực lượng khác, sức mạnh quân sự lớn nhiều Houthi, chắc chắn những luồng thương mại đi qua biển Đỏ hay eo biển Hormoz sẽ bị chao đảo hơn nhiều. Hiện người ta cũng đưa ra một số kịch bản. Nhẹ thì thị trường có thể chỉ biến động trong vài tuần. Còn nếu tồi tệ nhất thì sẽ như cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi năm 1973. Giá dầu khi ấy, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, có thể tăng đến 75%. Tức là có thể đẩy lên đến 130-135 USD/thùng.

Dễ thấy các nền kinh tế trong khu vực cũng đang đều phải chịu những tác động lan tỏa. Ở đây không chỉ có du lịch hay đầu tư. Israel hiện cũng là nhà xuất khẩu khí đốt không hề nhỏ tới một số các quốc gia lân cận như Jordan hay Ai Cập. Trong một kịch bản xấu, Iran và các lực lượng thân cận có thể tấn công vào các cơ sở khí đốt của Israel. Nguồn cung khí đốt sang Ai Cập, Jordan sẽ ngay lập tức bị gián đoạn. Đây đang là mối lo lớn, vì nếu các nước này bị cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Israel, họ sẽ phải lao đi tìm các nguồn cung thay thế. Nó từ đó sẽ dẫn đến những hệ quả dây chuyền, để rồi làm mất cân bằng cán cân cung cầu trên thị trường khí đốt toàn cầu, vốn đã phải chịu không ít sức ép kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraina. Và trong một kịch bản tồi tệ hơn nữa cũng đã được tính đến, là nếu Iran và các lực lượng thân cận tấn công các mỏ khí đốt của Israel, rồi Israel sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công vào các giếng dầu hay mỏ khí đốt của Iran. Nền kinh tế của cả Trung Đông lúc ấy sẽ bị đốt nóng thực sự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước