Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 20% sản lượng gạo xuất khẩu chính thức có thương hiệu riêng. Tuy nhiên, đây được đánh giá là một mục tiêu quá nhiều tham vọng bởi chỉ còn hơn 2 năm nữa là đến thời hạn này.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự xây dựng được thương hiệu gạo Việt, điều trước tiên là phải chọn được những giống lúa chất lượng. Mặc dù vậy, theo một báo cáo của Cục Trồng trọt, mỗi mùa vụ, ở ĐBSCL, luôn có gần 200 giống lúa được nông dân chọn để gieo trồng. Ngoài việc nhiều giống lúa, cách thu mua lúa gạo hiện nay còn có quá nhiều tầng nấc, từ thương lái, cơ sở xay xát, đến các doanh nghiệp.
Trong quá trình này, hàng trăm giống lúa đã được trộn lẫn vào nhau. Và khi bán ra thị trường, chẳng ai biết trong 1 kg gạo có bao nhiêu giống lúa. Vì thế, gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ có thể tính theo gạo 5%, 15% hay 25% tấm chứ ít khi có gạo thơm đặc sản như Thái Lan với thương hiệu gạo Hom Mali, có giá trị cao gấp đôi so với gạo 5% tấm của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết, nhu cầu tiêu dùng gạo trên đầu người tại châu Á đang giảm mạnh, đặc biệt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Trong tương lai gần, các quốc gia có truyền thống nhập khẩu gạo đang có những định hướng riêng, ví dụ như Trung Quốc sẽ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo, Philippines, Indonesia và Malaysia đang cố gắng tự cung tự cấp. Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam cần hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững để xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!