Cần sớm gỡ “rào cản” để người dân tiếp cận nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 26/10/2023 06:11 GMT+7

VTV.vn - Nguồn cung nhà ở xã hội còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi số người tiếp cận được nhà ở xã hội còn ít ỏi do những điều kiện khắt khe, chưa phù hợp.

Nới rộng tiêu chí mua nhà ở xã hội

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra. Dự thảo luật này dành một chương quy định về nhà ở xã hội, trong đó có một số điểm mới như: Đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Đất để xây dựng nhà ở xã hội; Lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư; Xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội… Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm nhất có lẽ là điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội hiện tại đang có nhiều bất cập.

Bám trụ lại Hà Nội làm việc hơn 10 năm, thu nhập ở mức 15 triệu đồng/tháng, là người đủ các điều kiện để mua nhà ở xã hội, nên anh Thắng (phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới thông tin về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ bỏ bớt tiêu chí cu trú và thu nhập. Bởi hai tiêu chí này khiến anh và nhiều người bỏ cuộc vì phải làm khá nhiều thủ tục phiền hà, gây khó khi vay vốn và chứng minh nơi cư trú.

Doanh nghiệp anh Thắng làm việc có tới gần 10.000 lao động trên cả nước. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có tới 5.000 người có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng suốt thời gian qua không một ai tiếp cận mua được.

Ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Điều hành Công ty Mai Linh Miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: "Chủ yếu nhu cầu của chúng tôi đang rất cao nhưng thực ra không tiếp cận được. Làm sao nó phải ở cái ngưỡng 16 - 17 - 20 triệu đồng đồng thôi".

Anh Trần Văn Minh - Phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Người có thu nhập thấp là những người có nhu cầu thực tế hầu như phải đi thuê nhà. Như bọn em là viên chức để mà có 1 cái nhà phải tầm 20 - 30 năm".

Cần sớm gỡ “rào cản” để người dân tiếp cận nhà ở xã hội  - Ảnh 1.

Nguồn cung nhà ở xã hội còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ảnh minh họa.

Nhà ở xã hội - Cung chưa gặp cầu

Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số gần 20.000 căn. Đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên cung lại chưa thực sự gặp cầu.

Nằm ở ngay mặt đường Tố Hữu, Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn 32 tầng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm sau được nhiều người quan tâm. 4 tháng trước, khi dự án mở bán, hơn 1.300 người đã đến bốc thăm giành quyền mua 149 căn hộ. Nhưng không phải dự án nào cũng hút khách dù loại hình nhà ở này đang rẻ bằng 1/3 so với giá nhà trong cùng khu vực.

Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Xa trung tâm thì sẽ ít thu hút được người mua nhà hơn, có khi là bán hàng chục lần chưa hết. Ví dụ như là dự án tại huyện Hoài Đức cũng phải đến hơn 20 lần đăng kí kế hoạch bán nhà nhưng mà đến nay vẫn còn khoảng 43 căn hộ để bán và 89 căn hộ cho thuê".

Hà Nội đang triển khai 54 dự án nhà ở xã hội và 5 khu đô thị - nhà ở xã hội tập trung. Theo các chuyên gia, nếu chỉ tăng chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội thì không thể giải quyết được hoàn toàn bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.

TS. Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: "Singapore là một thành phố tiêu biểu về việc giải quyết nhà ở xã hội nhưng dân số từ những năm bắt đầu có chương trình cho đến nay chỉ tăng gấp ba lần. Nhưng Việt Nam trong cùng cái khoảng thời gian dân số là tăng 10 lần thì không có một chính sách nào có thể giải quyết được lượng tăng khủng khiếp như thế cả".

Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin: "Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội tại các cái vị trí thuận lợi đi lại, đồng bộ với hạ tầng để thu hút người mua nhà".

Nhà ở xã hội là bài toán về nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị. Nhưng để người có nhu cầu thật sự tiếp cận được với loại hình nhà ở này, cần có một quy hoạch tổng thể, tương thích với sự phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, xã hội của thành phố.

Tháo gỡ rào cản phát triển nhà ở xã hội

Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Gói tín dụng 120.000 tỷ cũng được ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu này. Trước những vướng mắc trong quá trình triển khai, cách đây ít ngày tại Hà Nội đã diễn ra Toạ đàm "Hiện thực hoá đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội".

Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương cùng thực hiện đề án. Đồng thời sau khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vốn ưu đãi được bố trí để thực hiện, nhiều điểm nghẽn cũng đã được tháo gỡ.

Cần sớm gỡ “rào cản” để người dân tiếp cận nhà ở xã hội  - Ảnh 2.

Có hành lang pháp lý thuận lợi mới có thể thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội mà hàng triệu người lao động mong chờ. Ảnh minh họa.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: ""Về phía Bộ Xây dựng, chúng tôi chỉ quy định điều kiện là các dự án này đã được cấp phép xây dựng, tức chúng ta đã có chủ đầu tư, có khối lượng để giải ngân thì đủ điều kiện để được vay. Ngoài ra các chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện khác liên quan đến việc bảo toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước".

Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi để triển khai phân khúc nhà ở này chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư.

"Điều kiện, thủ tục để được vay nhà ở xã hội lại không đơn giản, đặc biệt việc phát triển nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ so với nhà ở thương mại, muốn tiếp cận vốn vẫn phải có các tài sản khác để thế chấp, như vậy rõ ràng đây là việc sẽ làm đắn đo các chủ đầu tư", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

Chính sách phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo là chính sách nhân văn, đảm bảo cho người lao động an cư lạc nghiệp. Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực và quyết sách để triển khai chính sách này từ hơn 10 năm qua.

Ngày 24/10, Thủ tướng chính phủ ban hành Công điện số 993 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản phải được tháo gỡ bắt đầu từ luật, nhất là 3 luật quan trọng sẽ được xem xét thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này là Luật là Đất đai (sửa đổi), Nhà ở sửa đổi và Kinh doanh Bất động sản. Có hành lang pháp lý thuận lợi mới có thể thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội mà hàng triệu người lao động mong chờ.

Chương trình Vấn đề hôm nay với sụ tham gia của ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã có những bàn luận về các vấn đề trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước