Tuy nhiên, để những doanh nghiệp của Việt kiều tại Việt Nam phát triển bền vững vẫn cần nhiều hơn nữa những chính sách ưu đãi.
Nguồn lực tiềm năng
Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 109 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây sẽ là nguồn lực tiềm năng đối với kinh tế của Việt Nam nếu các kiều bào tăng cường đầu tư về nước. Cùng với kiều hối, đây là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Thông qua đầu tư của các Việt kiều, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tích hợp với thị trường quốc tế, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Trong những năm gần đây, nhờ những chính sách kêu gọi đầu tư mà nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước liên tục tăng mạnh. Theo số liệu thống kê đầu năm 2017, hiện có hơn 900 doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại TP.HCM với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Thành phố cũng có hơn 120 dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào, với tổng vốn 260 triệu USD được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Các dự án của kiều bào tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, trung tâm thương mại… đã góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, văn minh.
Mong muốn đóng góp cho quê hương
Xuất phát từ mong muốn được đóng góp cho quê hương, nhiều kiều bào đã lựa chọn quay trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Bằng những vốn kiến thức tích lũy của mình sau nhiều năm sống và học tập tại những nước phát triển, kiều bào chính là những người đem công nghệ tiên tiến và hiện đại về ứng dụng tại các doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, để tạo ra những giá trị cao cho thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Công Chính, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tổ hợp SADO (SADO GROUP) là một kỹ sư ngành kính học tập và sinh sống nhiều năm tại CHLB Đức. Với niềm đam mê rất lớn với kính, và mong muốn được mang về quê hương những sản phẩm kính chất lượng đạt tiêu chuẩn của châu Âu, ông đã trở về Việt Nam và khởi nghiệp với công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhôm kính cao cấp. Hiểu được sự đầu tư đồng bộ là nền tảng vững chắc nhất, ông đã nhập khẩu toàn bộ những dây chuyền hiện đại nhất từ châu Âu cho 2 nhà máy nhôm và nhà máy kính, trị giá hàng triệu USD. Không chỉ đặt mục tiêu đáp ứng được nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, ông còn tham vọng xuất khẩu ngược trở lại các sản phẩm nhôm kính tới các nước phát triển.
Sản phẩm nhôm kính của SADO GROUP được nghiên cứu chuyên biệt hóa để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, hoàn toàn có thể thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU và các nước trong khu vực.
Sản phẩm nhôm kính cao cấp của SADO GROUP không chỉ chiếm lĩnh hầu hết thị phần nội địa khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Vẫn tồn tại những khó khăn về chính sách
8 năm về nước đầu tư đối với ông Chính vừa là một trách nhiệm vừa là một niềm vinh dự lớn lao đối với một kiều bào. Thời gian đó đủ để ông nhận thấy được những thuận lợi cũng như khó khăn của việc này. Ông nhận ra rằng, cơ hội thành công chia đều cho bất kỳ kiều bào nào muốn đầu tư tại Việt Nam, nếu bản thân họ xác định sẽ thực sự dành tâm huyết, sự quan tâm và cả trách nhiệm với sự đầu tư đó cho quê hương.
Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy rằng tuy chính sách thu hút đã thông thoáng hơn, nhưng một số chính sách về thuế và hải quan vẫn còn nhiều bất cập. Chính những điều này là những những hạn chế còn tồn tại, cản trở việc phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các hoạt động xuất nhập khẩu và cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Đơn cử như trong ngành nhôm kính, hiện các sản phẩm thành phẩm nhập khẩu đang được ưu đãi thuế suất 0%, trong khi nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đang phải chịu thuế suất 35-40%. Việc này, nếu kéo dài sẽ tạo điều kiện cho việc gian lận thương mại và trốn thuế của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ông mong muốn các Bộ ban ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ có những cơ chế, chính sách về thuế và xuất nhập khẩu phù hợp hơn và theo diễn biến thực của thị trường. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cũng cần có sự cam kết để tạo sự tin tưởng với các nhà đầu tư. Chính phủ và ngân hàng nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực sản xuất nói riêng có thể tiếp cận được các nguồn vốn, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển được lâu dài và bền vững.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!