Năm 2017, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng có mức tăng 65% và trở thành một lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là đã có sự xuất hiện mạnh mẽ của một kiểu hình thức cho vay tiêu dùng mới dựa trên sự tiến bộ của công nghệ đó là hình thức cho vay ngang hàng P2P.
Nhiều người so sánh đây là hình thức cho vay kiểu Uber, Grab. Hiểu một cách đơn giản đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới mà không cần qua ngân hàng. Người có tiền được hưởng lãi cao hơn ngân hàng, trong khi những người vay khó đáp ứng được tiêu chí cho vay của ngân hàng lại có thể vay được vốn.
Theo báo Đầu tư số ra sáng nay (22/1), hiện chưa có doanh nghiệp P2P nào được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động, song thời gian gần đây đã có tới 5 - 6 công ty P2P ra đời dưới mác là công ty tư vấn đầu tư. Thực tế trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, mô hình này đã phát triển rất mạnh mẽ với quy mô tín dụng hàng trăm tỷ USD.
Bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài gòn lại bày tỏ lo ngại về hình thức cho vay ngang hàng P2P, do hoàn toàn chưa có quy định pháp luật. Vì vậy, hình thức cho vay này đang tạo ra nhiều rủi ro cho tất cả các bên.
Đối với công ty quản lý ứng dụng cho vay ngang hàng, rủi ro bị đóng cửa là hoàn toàn có thể xảy ra do theo quy định hiện tại chỉ có những đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được thực hiện nghiệp vụ huy động và cho vay. Đối với người cho vay do không có quy định phong tỏa nguồn vốn chưa được giải ngân nên sẽ có tâm lý e ngại các công ty P2P ôm tiền bỏ trốn. Đối với người đi vay, rủi ro đến từ các trang web cho vay trực tuyến lợi dụng P2P để cho vay nặng lãi. Ngoài ra, P2P cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao hoạt động.
Theo bài viết trên báo Đầu tư, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có hành lang pháp lý mới cho hình thức cho vay này như phải kiểm soát chặt chẽ để tránh sự phát triển biến tướng, hay phải có hành lang pháp lý thí điểm cho hình thức cho vay ngang hàng P2P.
Báo Đầu tư cho biết, cũng có một số quan điểm cho rằng, hình thức cho vay P2P là một sáng tạo của nền kinh tế số và là xu hướng không thể cấm. Tuy nhiên, cần có những quy định yêu cầu các doanh nghiệp 2P2 "phong tỏa" nguồn vốn chưa được giải ngân từ những người gửi tiền tiết kiệm hoặc đầu tư và sắp xếp cho bên thứ ba quản lý dư nợ cho vay nếu họ ngừng giao dịch hoặc có thể tiến hành mua bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi.
Rõ ràng trước áp lực tham gia của những thành viên mới và những ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Chuyển động này đem đến lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!