Nông nghiệp đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hậu quả dễ thấy là 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: Cần thay đổi để thích nghi, đồng thời biến bất lợi thành lợi thế nhằm đưa ngành nông nghiệp tăng trưởng trở lại và không chỉ dừng ở đó, nông nghiệp phải tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Tính từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức tới 6 hội nghị để bàn về phát triển tôm. Tham vọng đưa tôm trở thành một ngành công nghiệp với kim ngạch không dừng ở 4 tỷ USD như hiện nay mà dư địa có thể lên đến 8-10 tỷ USD/năm vì có thể mở rộng theo kịch bản nước biển dâng. Tại Bạc Liêu, những yếu tố để phát triển con tôm đang được cụ thể hóa.
Bên cạnh diện tích quảng canh của người dân, tại Bạc Liêu, một doanh nghiệp đã có tham vọng tạo dựng thương hiệu tôm Việt Nam bằng việc đầu tư vào thâm canh công nghệ cao bằng nhà kính. Trên diện tích 500ha, hạ tầng cho con tôm từ giống, nuôi đến chế biến đã được hình thành. Bạc Liêu có thể trở thành thủ phủ của con tôm khi 23 nhà kính sẽ được xây dựng. Hiện đã có 7 nhà kính hoàn thành.
Hiện vùng nuôi tôm giống chất lượng để cung cấp cho cả nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định là 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Những doanh nghiệp lớn sẽ được chỉ định làm hạt nhân. Dự tính 3-5 năm nữa, với sự phát triển của các doanh nghiệp có thể làm chủ được con giống. Đây là bước tiên quyết để giải quyết 3 vấn đề lớn của ngành tôm.
Trong cuộc họp bàn về tái cơ cấu nông nghiệp với 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng mới đây, Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường cho rằng đã đến lúc phải nhận thức lại về cơ cấu phát triển. Biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường đã cho thấy cây lúa không còn là ưu tiên số 1.
Một tín hiệu tích cực từ thị trường đó là mới đây, Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Australia đã có những tín hiệu mở cửa cho VN có thể xuất khẩu tôm nguyên con vào Australia. Đây là thị trường chất lượng cao, với nhu cầu tiêu thụ hàng năm lên tới 50.000-60.000 tấn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!