Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát

PV-Thứ tư, ngày 19/10/2022 21:00 GMT+7

Ngày 19/10 diễn ra Diễn đàn đa phương 2022 có chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát.

Đây là hoạt động trung tâm thuộc chuỗi hoạt động Diễn đàn đa phương (MSF) 2022. Diễn đàn có sự tham dự của Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Choi Joo Ho Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cùng hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức Phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các tổ chức công đoàn quốc tế và trong nước, cùng các chuyên gia quan tâm tham gia trực tiếp tại sự kiện và thông qua hình thức trực tuyến.

Vị thế của Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là một chủ đề lớn và quan trọng. Diễn đàn đa phương MSF 2022 là một nỗ lực giúp các bên tiến gần hơn tới lời giải đáp cho câu hỏi: "Việt Nam sẽ cần làm những gì để hiện thực hóa cơ hội nâng tầm vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu?".

Trong khuôn khổ Diễn đàn đa phương lần này, thông qua việc thảo luận câu chuyện của các chuỗi giá trị công nghiệp, các nhà đồng tổ chức cũng mong muốn góp phần lan tỏa các bài học kinh nghiệm và gợi mở then chốt tới các chuỗi giá trị khác, đặc biệt là các chuỗi giá trị mà Việt Nam có tiềm năng và triển vọng.

Tại Diễn đàn chính, các bên sẽ thảo luận hai trọng tâm là Hợp tác đa phương và Nghĩa vụ tra soát của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, cùng kết quả của hai nghiên cứu hợp tác giữa VCCI, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung lần đầu tiên được công bố về năng lực động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt và vai trò của Công đoàn các cấp trong việc thúc đẩy nghĩa vụ tra soát.

Bên cạnh đó, tại các phiên thảo luận, các nội dung về thúc đẩy các chính sách nhằm gia tăng sự tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá trong việc ra quyết định liên quan tới xây dựng, mở rộng, phát triển chuỗi cung ứng và lựa chọn đối tác, các hoạt động và kế hoạch trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng... cũng đã được thảo luận.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới. Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.

Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát - Ảnh 1.

Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới".

Ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: "Để tăng cường vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch theo hướng phát triển cân bằng và bền vững hơn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế thông qua một chiến lược dài hạn, được phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan. Việc đánh giá tổng thể và toàn diện năng lực động giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trên cơ sở tích hợp và định vị lại nguồn lực của tổ chức; cũng như năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới của doanh nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và quan trọng để giải quyết bài toán khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới".

Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: "Việc tham gia ngày càng sâu trong chuỗi cung ứng thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam, trong đó, đảm bảo quyền của người lao động phù hợp quy định của pháp luật, yêu cầu kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững là một trong những nội dung hết sức quan trọng và cần được quan tâm đặc biệt. Đảm bảo thực hiện tốt quyền của người lao động là một trong những chìa khóa quan trọng để các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng và bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất quyền của người lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam mà nền tảng là việc tra soát quyền của người lao động".

Diễn đàn Đa phương (MSF) bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức Phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước