Còn nhiều dư địa cắt giảm điều kiện kinh doanh
Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, Nghị quyết này được ban hành ngay từ ngày đầu tiên của năm. Nghị quyết năm nay sẽ có hàng loạt những cải cách mới, vượt ra khỏi phạm vi của hiện tại. Mục tiêu là tạo ra những cơ hội lớn hơn cho phát triển kinh tế, xã hội năm nay.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể được nêu trong Nghị quyết 02 là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần phải thực chất hơn. Nhất là khi năm 2019, công tác này được đánh giá là khá trầm lắng và chỉ tạo ra được các gợn sóng nhỏ. Bởi theo kết quả báo cáo của các bộ ngành, tuy đã cắt giảm tới 50% điều kiện kinh doanh nhưng theo nhiều chuyên gia, con số thực chất chỉ ở mức phân nửa so với báo cáo.
Nhiều quy định, quy chuẩn có dáng dấp giấy phép con khiến doanh nghiệp phải mất thêm nhiều chi phí không cần thiết, mà không giúp gia tăng chất lượng sản phẩm, thậm chí còn làm giảm sức cạnh tranh. Đây chính là dư địa điều kiện kinh doanh cần cắt giảm để việc làm này đi vào thực chất hơn trong năm nay
Hiện vẫn còn tới 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép con, nếu nhân với con số hơn 714.000 doanh nghiệp hiện nay, gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.
Những mục tiêu cải thiện kinh doanh trong năm 2020
Ngoài yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn, trong Nghị quyết 02, Chính phủ còn đề ra hàng loạt các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp mạnh khác để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh năm 2020 theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) tăng 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tăng 3 đến 4 bậc; Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc (UN) tăng 10 - 15 bậc. Căn cứ vào các mục tiêu này, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành để cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như nâng cao chỉ số mà các bộ ngành đó quản lý, thực hiện.
Đẩy mạnh cải thiện các chỉ số yếu kém
Bên cạnh hàng chục các cải cách của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao thời gian qua, vẫn có 2 chỉ số là giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản của Việt Nam được nhận định là chưa có nhiều cải cách. Đây cũng là là hai nội dung được xã hội rất kỳ vọng nhưng nhiều năm qua hầu như chưa có mấy cải thiện đáng kể.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chính quyền một số địa phương cam kết với nhà đầu tư 1 đường nhưng sau này phá bỏ cam kết đó hoặc gây khó khăn cho quá trình triển khai thì đó là một chính quyền có tính tin cậy thấp. Đây là điểm trừ rất lớn của môi trường kinh doanh.
Thực tiễn áp dụng thiếu nhất quán, nay thế này, mai thế khác với các nhà đầu tư cũng sẽ khiến Việt Nam rất khó khăn trong việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư mới. Bởi người kinh doanh hiện không chỉ muốn nhanh chóng gia nhập thị trường với chi phí thấp mà còn muốn việc xử lý tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Do trong nhiều vụ việc, sự chậm trễ hay thiếu minh bạch không chỉ gây ách tắc nguồn vốn, lãng phí xã hội, mà còn làm làm xấu môi trường đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!