Cải cách tiền lương từ 1/7, đại biểu Quốc hội lo áp lực lạm phát

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 06/06/2024 10:03 GMT+7

VTV.vn - Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết định hướng, công tác điều hành giá để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước Quốc hội, tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tính cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%).

Phó Thủ tướng cũng nêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tuy nhiên áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cải cách tiền lương từ 1/7, đại biểu Quốc hội lo áp lực lạm phát - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định)

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề lạm phát liên quan rất nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở nên nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu. Điều này sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới.

"Trong khi chúng ta đang thực hiện nhiều gói kích cầu và tăng lương thì đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát được tỉ số lạm phát như Quốc hội cho phép" – Phó Thủ tướng nhận định.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai rất quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng lưu thông và phân phối các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng Chính phủ quản lý và kiểm soát về giá được điều chỉnh bởi một lộ trình phù hợp với thời gian phù hợp.

Cải cách tiền lương từ 1/7, đại biểu Quốc hội lo áp lực lạm phát - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Liên quan đến tài khóa, cần phải quan hệ hết sức chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Việc xử lý biến động giá vàng vừa rồi với những giải pháp của Chính phủ cũng nhằm mục đích để kiểm soát ổn định về giá trị của đồng tiền.

Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy, đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng về du lịch, mua sắm… Đồng thời đã có nhiều chính sách để tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.

"Điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phòng chống lạm phát, điều chỉnh kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thì chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá cả. Việt Nam có lợi thế là một quốc gia có gói giá cả thiết yếu như lương thực thực phẩm thiết yếu. Chúng ta hoàn toàn không có tỷ lệ lớn hàng hóa phải nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu. Đặc biệt là cần phải tính đến dự báo và có những hợp đồng có tính ổn định và dài hạn để kiểm soát tăng giá ở mặt hàng sản xuất này" – Phó Thủ tướng giải trình trước Quốc hội.

Ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã báo cáo Quốc hội về việc giải quyết những vấn đề nóng hiện nay mà Đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, trong đó có giải pháp ổn định thị trường vàng.

Cải cách tiền lương từ 1/7, đại biểu Quốc hội lo áp lực lạm phát - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên chất vấn

Trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…

Từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5/6/2024, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6).

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển KTXH, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước