Trong các dịp cao điểm khuyến mãi trên thương mại điện tử như 11/11 hay 12/12 vừa qua, doanh thu trên hệ thống gian hàng chính hãng trực tuyến - nơi tập trung các thương hiệu, đã tăng gấp đôi so với năm 2020. Điều này cho thấy ngay cả với các doanh nghiệp lớn, kênh trực tuyến có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phục hồi.
Mùa nhập học tháng 8 - 9, hệ thống nhà sách FAHASA dù không thiếu nguồn cung, với hơn 200.000 sản phẩm tồn kho, nhưng lại gặp khó vận chuyển hàng đến người dân vì phải đáp ứng quy định giãn cách.
Nhờ chuyển đổi kịp thời bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp đã không bỏ lỡ mùa cao điểm thị trường.
"Sau làn sóng dịch thứ 4, doanh số của chúng tôi trên sàn tăng hơn 10 lần. Thương mại điện tử sẽ là kênh đầu tư rất dài hạn, là cánh tay nối dài để mình tiếp cận hàng triệu khách hàng", bà Trương Thị Như Hằng, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử, FAHASA, cho biết.
Kênh trực tuyến có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phục hồi của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Vào thị trường Việt Nam ngay lúc bắt đầu đợt bùng phát dịch thứ 4, thương hiệu đồ gia dụng Dyson Việt Nam, từ Anh quốc, gần như tê liệt việc kinh doanh tại các cửa hàng trực tiếp trong nhiều tháng.
Tuy nhiên bán trên sàn thương mại điện tử, thương hiệu lại khai thác được cơ hội, tạo ra sức tăng trưởng mà thông thường ở các thị trường Đông Nam Á khác, phải mất 2 - 5 năm mới đạt được.
"Thử thách này đã mang lại những cơ hội vượt ngoài sự mong đợi. Hành vi của khách hàng thay đổi. Người ta quan tâm đến gia đình, sức khỏe, vệ sinh dọn dẹp nhà cửa. Đây lại là cơ hội rất tốt cho ngành hàng của chúng tôi", bà Trần Thị Minh Quý, Giám đốc Thương hiệu Dyson Việt Nam, nói.
Sàn Lazada cho biết, trong quý 3 - thời điểm giãn cách nghiêm ngặt nhất, số lượng nhà bán hàng tham gia sàn đã tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Riêng lượng nhà bán hàng ở các khu vực ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng gấp đôi.
Nắm bắt xu hướng chuyển đổi, sàn này vừa triển khai gói hỗ trợ với tổng giá trị lên đến 10 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và thương hiệu đăng ký bán hàng trên hệ thống gian hàng chính hãng.
"Thách thức chung với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn là việc chuyển đổi khâu vận hành từ bán trực tiếp sang bán trực tuyến, vốn khác nhau rất nhiều. Một lợi thế đặc biệt mà Lazada đã phát huy rõ trong đợt bùng phát dịch vừa qua là việc làm chủ khâu giao vận, logistics... giúp các doanh nghiệp duy trì bán và giao hàng. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các công cụ để thương hiệu có thể phân tích dữ liệu theo thời gian thực, nắm bắt hành vi mua sắm của người dùng để họ lên kế hoạch kinh doanh tốt hơn", bà Kaya Qin, Giám đốc Thương mại, Lazada Việt Nam, cho hay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua 11 tháng giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Để kích cầu cho giai đoạn từ nay đến Tết, chuyên gia khuyến nghị các thương hiệu, đặc biệt ở những ngành giá trị cao, cần linh hoạt trong chính sách bán hàng, chú trọng hình thức mua trả sau để gỡ tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!