Điều này đã buộc giới chức nhiều địa phương phải đưa ra các giải pháp giữ giá nhà, để không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Hồi cuối tháng 11, chính quyền thành phố Thành Đô đã công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính cho cả công ty bất động sản và người mua nhà. Còn tại Thiên Tân và khoảng 20 thành phố khác, giới chức địa phương đã yêu cầu các công ty bất động sản hạn chế việc giảm giá nhà.
Một số thành phố như Bắc Kinh cũng đang bán rẻ những lô đất ở vị trí đắc địa với hy vọng tạo ra nhu cầu đầu tư mạnh mẽ.
Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy giá nhà, vốn đã giảm ở 90% các thành phố lớn tại Trung Quốc trong tháng 10, đe dọa đến nguồn thu ngân sách của các chính quyền địa phương, vốn dựa nhiều vào việc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Một dự án bất động sản đang thi công dang dở ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Getty
Giá nhà ở hầu hết tại các địa phương của Trung Quốc đã giảm một phần do giới chức trách yêu cầu các ngân hàng xét duyệt cho thế chấp mua nhà nghiêm ngặt hơn.
Trong tháng 5/2021, chỉ có 5 trong 70 thành phố lớn của Trung Quốc chứng kiến giá căn hộ mới giảm so với tháng 4, theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Nhưng con số đó đã tăng vọt lên 52 trong tháng 10, khiến tháng này trở thành tháng giảm giá tồi tệ nhất trên thị trường nhà ở của Trung Quốc kể từ tháng 2/2015.
Việc siết chặt cho thế chấp mua nhà chỉ là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản quay đầu giảm giá. Trung Quốc cũng đang hạn chế việc vay nợ quá mức của các công ty bất động sản, vốn đang là vấn đề thu hút được sự chú ý của toàn cầu, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng nợ gần đây của Tập đoàn bất động sản Evergrande.
Một số công ty bất động sản ở Trung Quốc rơi vào tình cảnh cạn kiệt tiền mặt đến mức họ phải sử dụng các căn hộ để thanh toán nợ cho các nhà thầu. Các căn hộ này ngay lập tức bị các nhà thầu bán tháo, khiến thị trường căn hộ giảm giá mạnh hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!