Lần đầu tiên trong gần 6 thập kỷ, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ chứng kiến tăng trưởng âm trong năm nay, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Kiểm soát tốt dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ hiệu quả sẽ là vấn đề then chốt cho quá trình phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch.
Nhóm tác giả báo cáo của ADB cho biết, 3/4 các nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020. Ngay cả khi đi lên trở lại trong năm sau, kinh tế khu vực vẫn được nhìn nhận sẽ đi theo kịch bản hình chữ L với nhiều rủi ro.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay sẽ là âm 0,7%, và năm sau bật tăng 6,8%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và những tranh chấp công nghệ cũng có thể kéo chậm đà phục hồi này", ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định.
Trong số các nền kinh tế hàng đầu, Trung Quốc là một trong số ít những cái tên thoát mức sụt giảm trong năm nay. (Ảnh: Reuters)
Lý giải rõ hơn về các dự báo, các chuyên gia của ADB tại Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trong khu vực. Ngay cả những nước đã kiểm soát tốt dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng xuất hiện những đợt làn sóng dịch thứ 2 bùng phát. Bởi vậy, kiềm chế dịch và mở cửa an toàn, vẫn sẽ là những ưu tiên then chốt trong giai đoạn phục hồi.
"Mức độ phục hồi của các nền kinh tế châu Á sẽ phụ thuộc thứ nhất vào hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát vấn đề lây nhiễm trong cộng đồng; thứ hai là sau quá trình mở cửa, một số nước đã chứng kiến sự lây lan của dịch quay trở lại. Bài học kinh nghiệm là tốc độ mở cửa ra sao, mở cửa như thế nào, mở những lĩnh vực gì, các biện pháp y tế đi kèm sẽ là vấn đề các nước phải đối mặt", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho biết.
3/4 các nền kinh tế châu Á sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020. (Ảnh minh họa: Reuters)
ADB đánh giá cao các phản ứng chính sách từ nhiều chính phủ trong khu vực nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế từ đại dịch. Các gói hỗ trợ với tổng trị giá hơn 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương 15% GDP toàn khu vực, đã được chi ra trong giai đoạn này.
Với lợi thế từ đà tăng trưởng của các năm trước, các nền kinh tế khu vực được dự báo vẫn còn nhiều tiềm lực để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh, bảo đảm sự phục hồi bền vững.
Trong số các nền kinh tế hàng đầu, Trung Quốc là một trong số ít những cái tên thoát mức sụt giảm trong năm nay, với mức tăng trưởng dự báo là 1,8%. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ, quốc gia vừa trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, được dự báo suy giảm 9% trong năm tài chính 2020, trước khi phục hồi 8% trong năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!