Ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn vốn nay
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có một loạt các chỉ đạo nhằm tạo thêm những động lưc mới cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Một trong những sung lực tiếp sức quan trọng trong thời điểm hiện tại chính là nguồn vốn tín dụng. Thủ tướng đã ký công điện về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, yêu cầu ngành ngân hàng phải tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau chỉ thị của Thủ tướng, để hỗ trợ nền kinh tế, đến nay đã có 19 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.500 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất huy động vẫn hiện hữu, để giảm được lãi suất cho vay, hoặc ít nhất là giữ lãi suất cho vay không tăng cao theo lãi suất huy động, ngoài tiết giảm chi phí, các ngân hàng đã tìm cách đa dạng, tìm kiếm các nguồn vốn đầu vào giá rẻ hơn.
Huy động được hơn 500 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế lớn, Ngân hàng SeABank đã dành riêng để cho vay ưu đãi, chấp nhận cả cho vay thấu chi, không có tài sản đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Những khoản cấp vốn này sẽ được phân bổ vào một số ngành gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, ví dụ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoặc các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu. Khi cho vay, chúng tôi cũng nhận được sự tư vấn từ các định chế tài chính quốc tế vì họ có nhiều kinh nghiệm về thị trường nói chung nên sự đồng hành của các tổ chức này sẽ giúp việc triển khai cho vay dễ dàng hơn", ông Loic Faussier - Phó Tổng Giám đốc cao cấp phụ trách điều hành, Ngân hàng SeABank cho hay.
Từ 5 năm trước, Ngân hàng VPBank đã huy động thanh công các nguồn vốn quốc tế. Lợi ích lớn nhất là giúp ngân hàng đảm bảo khả năng thanh khoản trong dài hạn, vì các khoản vay quốc tế thường kéo dài 5 - 7 năm. Năm nay, họ huy động được 1,2 tỷ USD với lãi suất thấp để dành cho vay trong nước.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KBSV cho biết: "Những nguồn vốn huy động từ nước ngoài với lãi suất khoảng 5 - 6% thì rõ ràng là thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động hiện tới 10%, hoặc là trái phiếu. Đây là nguồn vốn rất quý giá cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hoặc cải thiện các hệ số an toàn vốn".
Hiện có khoảng gần chục ngân hàng đã tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế.
Thị trường bất động sản được tiếp sức
Để đảm bảo các ngân hàng thương mại có đủ nguồn vốn cho vay, lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài kỳ hạn cho vay qua thị trường mở lên 91 ngày thay vì mức 14 ngày như thường lệ. Đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay sau khi nới hạn mức tín dụng.
Khi mà nguồn vốn đang rất sẵn sàng từ các ngân hàng thì điểm nghẽn về vốn trong lĩnh vực bất động sản sẽ được giải tỏa vì sự chững lại của thị trường cũng một phần xuất phát từ việc chủ đầu tư và nhiều người mua nhà khó tiếp cận được vốn vay, cũng như tâm lý lo ngại lãi suất gia tăng.
Trong 2 tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những động thái rất tích cực quan tâm tới thị trường bất động sản. Trong tuần qua, Thủ tướng đã ký Công điện số về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Thông tin này được các thành viên thị trường đánh giá là tạo nên một sức sống mới cho thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công CP GP Invest cho rằng: "Đấy là tín hiệu cho thấy lãnh đạo cao nhất của Chính phủ tìm cách quan tâm tháo gỡ từ chuyện cụ thể tức từ nới room tín dụng 1,5 - 2%. Nới room tín dụng nói chung, trong đó có bất động sản và những biện pháp cụ thể là tháo gỡ vướng mắc về pháp luật. Đứng về phía doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều thấy có một cái gì đó được khích lệ là Chính phủ quan tâm trực tiếp đến lĩnh vực. Chúng tôi cho đây là tín hiệu tích và đón nhận rất phấn khởi".
Trong 2 tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những động thái rất tích cực quan tâm tới thị trường bất động sản. Ảnh minh họa.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, vốn chỉ là một phần khó khăn, 70% vướng mắc là thủ tục pháp lý. Mới đây, Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Tổ công tác có nhiều bộ ngành tham gia, ngay sau khi thành lập đã làm việc với thành phố lớn, doanh nghiệp và hiệp hội, trao đổi trực tiếp và tìm cách hướng dẫn về thực thi, thể chế, phân loại nhóm khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Hiện tổ công tác và các địa phương đang tích cực nhận diện những "điểm nghẽn" để có giải pháp tháo gỡ.
Các giải pháp đảm bảo lành mạnh thị trường trái phiếu
Một lĩnh vực được quan tâm nhiều trong thời gian qua là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuần qua, Thủ tướng đã ký công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả. Ngay lập tức, Bộ Tài chính đã có một loạt văn bản để triển khai các yêu cầu Thủ tướng.
Như để đảm bảo quyền lợi của người mua trái phiếu, hay một vấn đề nổi cộm là hoạt động môi giới trái phiếu, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu những tổ chức tín dụng thời gian qua định hướng người gửi tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cần có biện pháp cương quyết chấn chỉnh và có trách nhiệm với nhà đầu tư, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ.
Với Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt các sửa đổi đối với Nghị định 65 như đề xuất lùi 1 năm thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hoãn 1 năm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm. Hay quy định cho kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Mặc dù các thành viên thị trường đều đồng tình với những đề xuất sửa đổi này. Tuy nhiên, với quy định kéo dài kỳ hạn trái phiếu, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đàm phán với trái chủ để đưa ra kế hoạch trả nợ để giữ niềm tin.
"Tinh thần các doanh nghiệp một mặt cũng được hưởng chính sách đó nhưng cũng hết sức khẩn trương đàm phán làm việc với các khách hàng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các khách hàng và đồng thời tạo nên sự đồng thuận chung giữa tổ chức phát hành cũng như trái chủ, tạo thuận lợi cho cả hai phía. Nhà đầu tư yên tâm thì không những họ có thể đồng ý kéo dài mà họ còn có thể tiếp tục mua trong những đợt phát hành sắp tới", ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT SaigonRatings cho hay.
Thủ tướng đã ký công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả. Ảnh minh họa.
Các đề xuất được dự đoán sẽ làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu vào năm 2023. Tuy nhiên, các năm sau đó các doanh nghiệp cần phải chủ động thích nghi với những yêu cầu mới trong Nghị định 65, bởi đó những yêu cầu cần thiết để hướng tới một thị trường trái phiếu minh bạch, tạo sự công bằng cho các chủ thể tham gia thị trường và để trái phiếu là một kênh dẫn vốn chủ lực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Vấn đề là doanh nghiệp phải thay đổi, phải chuyển, phải thích nghi với lộ trình, chúng tôi gọi là giãn lộ trình hay là chuẩn bị cho tương lai. Nói một cách nôm na, hành lang pháp lý của Nghị định 65 tương đối chặt chẽ, phù hợp với sự phát triển, nhưng thách thức của doanh nghiệp là chậm hay giãn trong tương lai một số điều kiện liệu họ có thích ứng tiếp với năm 2024 hay là những điều kiện siết thêm của những quy định đã đặt ra trong nghị định?".
Như vậy, sau một loạt các chỉ thị của Thủ tướng các kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế đang dần được khơi thông - một trong những động lực cho quá trình tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!