Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngành hàng không đã có những bước đầu phục hồi khi các nền kinh tế dần nối lại hoạt động. Tuy nhiên, đà phục hồi còn mong manh đó đang bị đe dọa nghiêm trọng khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng trở lại tại nhiều quốc gia.
Ngày 3/8, Japan Airlines - hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản vừa công bố khoản lỗ trị giá 1,24 tỷ USD trong quý II. Ban lãnh đạo hãng cho biết, làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại nước này đã tác động nặng nề đến hy vọng về một sự phục hồi của nhu cầu đi lại trong nước bằng đường hàng không.
Trước đó, hôm 29/7, đối thủ của Japan Airlines là hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holdings cũng đã công bố mức thua lỗ kỷ lục lên tới 1,51 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 - 6; đồng thời dự báo, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa sẽ chỉ phục hồi vào tháng 3/2022.
Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines.
Không chỉ Nhật Bản, tại nhiều quốc gia châu Á khác, ngành hàng không cũng đang phải chật vật trong mùa dịch. Ngành hàng không Trung Quốc dù ghi nhận đà phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác, nhưng cũng đã thua lỗ tới 4,9 tỷ USD trong quý II.
Còn tại Thái Lan, hãng hàng không giá rẻ Nok Air vừa nối gót hãng hàng không quốc gia Thai Airways nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau quãng thời gian thua lỗ kéo dài. Một tên tuổi khác của khu vực là Singapore Airlines cũng vừa ghi nhận khoản lỗ 1,12 tỷ USD trong quý vừa qua.
Các chuyên gia nhận định, hàng không giá rẻ Đông Nam Á, từng được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của các nhà sản xuất và cho thuê máy bay trong suốt một thập kỷ qua, giờ đây đang đối mặt với nhiều rủi ro tài chính khi nhu cầu di chuyển sụt giảm.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, các hãng hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, khi thua lỗ tới 29 tỷ USD trong năm nay, tương đương hơn 1/3 tổng thiệt hại của ngành hàng không toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!