Các "đại gia" bán lẻ di động chuyển hướng bán hàng thiết yếu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 02/04/2018 11:29 GMT+7

VTV.vn - Sau Thế giới di động và Nguyễn Kim, mới đây “ông lớn” bán lẻ thiết bị di động là FPT Retail công bố chính thức "lấn sân" sang bán lẻ ngành hàng thiết yếu là dược phẩm.

Đây là tín hiệu cho thấy thị trường bán lẻ di động đã chạm mốc "bão hòa". Bão hòa ở đây không có nghĩa là sự sụt giảm nhu cầu mua các thiết bị di động của người tiêu dùng Việt Nam, mà giới bán lẻ nhận định cần hiểu "bão hòa" ở khía cạnh độ phủ thị trường của các doanh nghiệp đã kín, dư địa mở rộng thị phần là không còn bởi chỉ vài cái tên đầu ngành như Thế giới di động, FPT Retail hay Viễn thông A đã chiếm đến 80% thị phần ngành này, do đó các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ di động đã không ngần ngại khẳng định "lấn sân" là xu hướng tất yếu.

Một cửa hàng trong chuỗi bán thuốc Long Châu sau khi được nhà bán lẻ di động FPT Retail mua lại, ngoài bộ phận bán thuốc truyền thống, bộ phận tiếp thuốc được bổ sung để cải thiện chất lượng dịch vụ, cửa hàng có thêm bộ phận tư vấn và bán thuốc online để phục vụ khách mua qua mạng. Nhà bán lẻ này tự tin có thể đưa dược phẩm chiếm đến 40% tổng doanh thu bán lẻ chỉ trong vòng 3 năm tới nhờ có kinh nghiệm phát triển cũng như quản trị chuỗi có quy mô trên 100 cửa hàng.

"Với bất kỳ một ngành nghề nào khi đã mở một hệ thống chuỗi quy mô toàn quốc, công nghệ thông tin là điểm rất mấu chốt để có thể quản trị được. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp bán lẻ di động. Một điểm nữa là có thể kết hợp được giữa nguồn khách hàng bên mảng điện thoại và mảng thuốc..." - bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT nói.

Dược phẩm và thực phẩm là hai ngành hiện được nhiều "ông lớn" bán lẻ di động Việt Nam nhảy vào để đầu tư. Đại diện công ty Thế giới di động nhận định bán điện thoại, bán thuốc hay bán rau củ quả về bản chất vẫn là bán lẻ. Do đó, khi lấn sân sang mở chuỗi Bách hóa Xanh, doanh nghiệp không khó để phát triển đến gần 500 cửa hàng bách hóa tại TP.HCM trong chưa đầy 2 năm. Chi phí đầu tư cho mỗi cửa hàng bách hóa cũng rẻ hơn 1/2 so với một cửa hàng thiết bị di động và chỉ bằng 1/5 so với chi phí cho cửa hàng điện máy.

Ông Trần Kinh Doanh - Thành viên Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư Thế giới di động nói: "Ví dụ cả nước có 2.000 shop bán điện thoại nhưng nếu nói đến bán rau củ, thịt cá, lượng của hàng ít nhất phải gấp 10 lần mới đủ phục vụ thị trường. Đó là những con số cho thấy tiềm năng thị trường lớn khủng khiếp".

Giới chuyên gia đánh giá, xu hướng lấn sân của các "ông lớn" bán lẻ di động sẽ làm thay đổi mạnh mẽ bản chất của ngành bán lẻ các mặt hàng thiết yếu - một ngành nhìn chung vẫn còn cũ tại Việt Nam. Hiện hơn 90% kênh phân phối cả thực phẩm và dược phẩm đều là kênh truyền thống.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bán lẻ hàng thiết yếu là mảng không hề dễ làm do đặc thù của từng ngành nghề. Bằng chứng là Thế giới di động sau khi công bố kế hoạch mua lại và phát triển chuỗi dược An Khang vừa qua lại cho biết tạm thời chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn, không chi phối như kế hoạch ban đầu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước