Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, như sữa và thịt lợn, tăng cũng ảnh hưởng đến các cửa hàng tạp hóa, khi họ phải chi trả nhiều hơn cho các nhà cung cấp. Giám đốc điều hành Burt Flickinger của công ty tư vấn bán lẻ Strategic Resource Group, cho biết khi chi phí của các cửa hàng tăng, các cửa hàng sẽ tăng giá bán hàng hóa để bù đắp. Ví dụ, giá thịt mà cửa hàng trả cho nhà cung cấp tăng lên 6 xu Mỹ/pound, thì cửa hàng sẽ tăng giá bán loại thịt đó lên 10 xu Mỹ/pound (1 pound =0,4535 kg).
Các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ đang kỳ vọng rằng hầu hết khách hàng sẽ không gặp khó khăn trước việc tăng giá vì dù sao mua thực phẩm tại các cửa hàng sẽ rẻ hơn so với đi ăn ở nhà hàng. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá thực phẩm tại các nhà hàng đang tăng nhanh hơn so với giá thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa.
Nhu cầu tăng cao cùng với các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nguyên liệu khi nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, đang khiến giá cả tăng mạnh. Số liệu của Bộ Lao động cho thấy giá bán thực phẩm cho người tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, những chuỗi cửa hàng tạp hóa hàng đầu ở Mỹ, như Kroger (KR) và Alberstons cho hay họ kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ giá cả tăng. Doanh số bán hàng tại các chuỗi cửa hàng tăng cao trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, song đã chậm lại trong những tháng gần đây khi nhiều người đã ra ngoài dùng bữa trở lại.
Chuyên gia phân tích Joseph Feldman Joseph Feldman tại Telsey Advisory Group cho biết nếu giá một mặt hàng tăng trên 4%, khách hàng có thể không mua nữa và điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh số của các cửa hàng tạp hóa.
Ngoài ra, giới phân tích và các cửa hàng cũng lưu ý khả năng người tiêu dùng có thể chuyển sang mua sản phẩm tương tự của những thương hiệu rẻ hơn hoặc mua ít hơn nếu lạm phát tăng mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!