Sau bưởi đỏ Tân Lạc, việc bưởi Diễn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Anh, châu Âu, Mỹ đã mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trồng bưởi.
Lô bưởi Diễn được thu hái từ những vùng trồng đã được cấp giấy chứng nhận global gap của tỉnh Hòa Bình. Sau khi lấy mẫu kiểm định, bưởi được đưa về sơ chế, xử lý, đóng gói và chờ làm các thủ tục xuất khẩu. Để vào thị trường Mỹ, ngoài hơn 900 chỉ tiêu về bảo vệ thực vật phải đạt được, hình thức quả và độ đường cũng rất quan trọng.
Đây là năm thứ 2 tỉnh Hòa Bình xuất khẩu bưởi Diễn trồng tại địa phương. Năm nay, thị trường xuất khẩu bưởi diễn tiếp tục được mở rộng khi có thêm các hợp đồng thu mua xuất khẩu sang EU, đặc biệt là có 3 đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ với tổng trọng lượng khoảng 70 tấn cho nhà nhập khẩu CT Choice Group.
"Việc bưởi Diễn Hòa Bình được xuất khẩu vào thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính - sẽ mở ra cho huyện Lương Sơn nhiều cơ hội để quảng bá cho nông sản địa phương và tiền đề để nông dân phát triển sản phẩm ngày càng đảm bảo chất lượng hơn", ông Bùi Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, Hòa Bình cho biết.
Dự kiến sau 35 ngày, lô bưởi Diễn đầu tiên sẽ có mặt trên các kệ hàng siêu thị Mỹ. Với công nghệ bảo quản sau thu hoạch mới, quả bưởi tươi có thể bảo quản trong 4 tháng nhưng vỏ quả vẫn căng bóng, nguyên màu sắc, múi vẫn tươi ngon, mọng nước. Do đó, có thể xuất khẩu với số lượng lớn theo đường biển đến các thị trường xa như Mỹ, EU với chi phí thấp, sức cạnh tranh tốt hơn.
Tiềm năng xuất khẩu bưởi của Việt Nam
Sau gần 6 năm đàm phán, năm ngoái quả bưởi tươi của Việt Nam đã chính thức được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Nhờ vậy, doanh thu của đơn vị xuất khẩu bưởi trong năm ngoái tăng trưởng đến 60% và tiếp tục được kì vọng tăng trưởng cao trong năm nay.
Các đơn vị trồng bưởi cũng cố gắng giữ chất lượng, cho vùng quy hoạch xuất khẩu. Hiện tại, cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Mỹ - một thị trường lớn đầy tiềm năng, với giá trị kinh tế có thể tăng đến 10 lần so với tiêu thụ nội địa.
Trong năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành đàm phán thêm ở nhiều thị trường khác như: Nhật, New Zealand, Australia.
Canh tác bưởi hướng đến xuất khẩu
Trong khi các cơ quan chức năng đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu. Các nhà vườn cũng nỗ lực để giữ chất lượng, sẵn sàng cho xuất khẩu.
Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Tân (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có 129 ha trồng bưởi, trong đó 86 ha đã được chuyển đổi theo hướng trồng bưởi xuất khẩu, tuân thủ theo quy trình global gap, sử dụng phân thuốc theo danh mục cho phép của nhà nhập khẩu và được ghi chép nhật ký cẩn thận.
Tân Mỹ là một trong 3 hợp tác xã của tỉnh Hòa Bình đã có lô bưởi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên với năm đầu tiên canh tác theo tiêu chuẩn global gap, số lượng quả loại 1 được chọn để xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 20 - 40%, còn lại là loại 2, loại 3. Chính vì thế, khi nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, ngay từ đầu vụ mới, cách sản xuất cũng sẽ thay đổi.
Hiện cây bưởi đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình, trong đó diện tích bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 3.200 ha, chiếm gần 60% diện tích bưởi toàn tỉnh. Việc xây dựng quy trình canh tác theo đúng quy chuẩn sẽ giúp bưởi cũng như nhiều nông sản khác của Hòa Bình tiếp tục xuất khẩu sang được các thị trường trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!