Nhật Bản đã ghi nhận số thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) đạt tổng giá trị hơn 230 tỷ USD trong năm 2024 và các chuyên gia dự đoán hoạt động này sẽ còn sôi động hơn nữa trong năm 2025.
Cụ thể, năm 2024, hoạt động M&A tại Nhật Bản đã tăng 44% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018. Con số này vượt xa mức tăng trưởng 38% của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi một sự thay đổi căn bản trong chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhờ vào nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào, định giá thấp, áp lực từ các nhà đầu tư đấu tranh vì quyền lợi cổ đông cũng như từ các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu.
Các công ty đang trở nên chủ động hơn trong việc theo đuổi các cơ hội tăng trưởng cả ở trong nước và quốc tế. Từng vốn rất thận trọng, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đón nhận những lựa chọn nhiều rủi ro hơn như hợp tác với các quỹ đầu tư tư nhân và xem xét sáp nhập với các đối thủ cạnh tranh.
Các quỹ đầu cơ như Elliott Investment Management và ValueAct Capital Partners đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi này. Họ đang gia tăng hoạt động tại Nhật Bản, nhắm mục tiêu vào các công ty bị định giá thấp nhưng có kết quả kinh doanh mạnh mẽ. Từng bị e dè, nay các quỹ này đang nhận được sự ủng hộ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, trong khi các tổ chức như Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo cũng đang thúc đẩy cải thiện lợi nhuận cho cổ đông.
Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, Nhật Bản đã ghi nhận gần 150 chiến dịch của các nhà đầu tư chủ động trong năm 2024, tăng 50% so với năm 2023. Theo ông Kenichi Sekiguchi, một đối tác tại công ty luật Mori Hamada, áp lực này đang buộc các công ty phải xem xét việc chuyển sang tư nhân hóa hoặc sáp nhập với các đối thủ cạnh tranh trong nước. Ông dự đoán một số giao dịch quy mô đáng kể sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2025, với giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.
Theo ông Tetsuro Onitsuka, một đối tác tại công ty đầu tư EQT AB, việc tư nhân hóa đang trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn hơn so với việc trở thành công ty con của một đối thủ. Ông nhận định rằng dù Nhật Bản chưa thể có thị trường sôi động như Mỹ, những thay đổi trong nhận thức này đang mang tới nhiều cơ hội, lựa chọn hơn cho các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!