Số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, nửa đầu năm 2021, hiện tượng "bùng nổ" lượng đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN đã xảy ra, dù đây là những nước không có năng lực xuất khẩu đường từ mía trong nước họ. Hiệp hội mía đường cho rằng, đây là những dấu hiệu bất thường.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kể từ khi áp thuế sơ bộ vào tháng 2 năm nay, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan cho tới thời điểm này giảm mạnh đến 75%.
Tuy nhiên ngược lại, sự bất thường xảy ra khi "bùng nổ" đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN khác. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia đã tăng gấp 16 lần, đạt mức hơn 320.000 tấn.
Đáng chú ý, cả 5 nước ASEAN trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng rất mạnh như vậy.
Kể từ khi áp thuế sơ bộ vào tháng 2 năm nay, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan cho tới thời điểm này giảm 75%. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Đường từ 5 nước này hiện được áp mức thuế 5%, thấp hơn nhiều so với mức 47,64% của đường Thái Lan vừa được chính thức áp từ tháng trước.
"Hiện nay, dấu hiệu lẩn tránh rất rõ, lượng đường từ Thái Lan giảm đi nhưng lượng đường nhập từ 5 quốc gia còn lại vào Việt Nam thì tăng thêm, tăng thêm với mức độ kinh khủng, bản chất cũng là đường từ Thái Lan", ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Thái Lan cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu đường từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN kể trên tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là Lào và Campuchia đều tăng trên 100%.
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng với dấu hiệu lẩn tránh phòng vệ thương mại này, một khối lượng đường đáng kể đã tìm được phương thức mới, không phải nhập lậu như trước và vẫn hiện diện trên thị trường với mức giá cạnh tranh, cùng với đường nhập lậu đang đóng vai trò chính trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!