Wufangzhai - chuỗi cửa hàng có tuổi đời gần 100 năm và là cái tên quen thuộc được lựa chọn cho giờ ăn trưa. Thế nhưng hiện cửa hàng này không có bất kỳ nhân viên nào chào đón khách hàng.
Thay vào đó, các thực khách đơn giản nhìn vào chiếc điện thoại thông minh và đứng trước khoảng 40 tủ khóa. Khi họ chạm vào điện thoại thêm một lần nữa, các tủ đồ mở ra với những bữa ăn đã sẵn sàng bên trong.
Sự tiện lợi này đến từ việc Wufangzhai đã áp dụng hệ thống đặt hàng tự động được hỗ trợ từ Koubei - công ty con của Alibaba - chuyên cung cấp dịch vụ phụ trợ cho các nhà hàng. Khách hàng sẽ đặt và thanh toán trực tuyến thông qua việc đọc mã QR bằng ứng dụng Alipay trên smartphone.
Từ 13 nhân viên trước đây, số lượng hiện chỉ còn 6 và chi phí lao động hàng năm của nhà hàng đã giảm hơn một nửa, từ mức 95.000 USD trước đó. Tăng trưởng doanh thu tới 40%.
Cuộc đua cửa hàng không nhân viên tại Trung Quốc bắt đầu nóng lên vào năm 2017 với những tay chơi chính là các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, những ông lớn như JD.com hay Suning đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này.
Sự phát triển của nền kinh tế đã đẩy giá thuê và chi phí lao động tăng cao, khiến các chủ cửa hàng phải chuyển chi phí đó một phần sang người tiêu dùng thông qua mức giá bán cao hơn. Song điều này gián tiếp đẩy những thượng đế tới mua hàng trực tuyến khi mức giá rẻ hơn tương đối.
Cửa hàng không nhân viên được đánh giá là một trong những công nghệ tiết kiệm chi phí hứa hẹn nhất tại Trung Quốc. Thị trường này được dự báo sẽ đạt khoảng 147 tỷ USD chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, gấp 30 lần so với mức ước tính cho năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!