Những kết quả đáng ghi nhận
Trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá: kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung cả 7 tháng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái trên hầu hết các lĩnh vực.
Một trong những điểm sáng là hoạt động xuất khẩu tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan, khi đạt mức tăng trưởng tới 15,7%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở khu vực trong nước cao hơn 1,5 lần so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về xuất siêu, lên tới hơn 14 tỷ USD.
Trong 3 trụ cột chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa thì xuất khẩu đang có những bứt phá rất mạnh mẽ. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt gần 227 tỷ USD. Trong đó, có tới 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đà tăng mạnh mẽ nhất ở nhóm mặt hàng nông sản, nhưng tỷ trọng xuất khẩu cao nhất vẫn thuộc về nhóm ngành chế biến, chế tạo.
Thị trường thế giới đang dần hồi phục, các đơn hàng gia tăng đã giúp xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trong nước đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không lo thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm, thậm chí cho đến đầu năm sau.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan
Doanh nghiệp xuất khẩu tăng đơn hàng những tháng cuối năm
Nửa đầu năm, công ty Vina T&T đạt mức tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có được kết quả này, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công các loại trái cây sang các nước như: sầu riêng vào Trung Quốc, bưởi vào thị trường Hoa Kỳ, New Zealand và nhãn vào thị trường Nhật Bản… Nửa năm còn lại, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30 - 35% nhờ tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết: "Vừa rồi, chúng ta được cấp phép xuất khẩu trái bưởi vào Hàn Quốc và có thể trong năm nay, Trung Quốc sẽ chấp nhận thêm trái dừa, trái bưởi vào thị trường Australia. Hiện nay, chúng tôi đã định vị, mở rộng những vùng trồng, đặc biệt là chúng tôi đã có hơn 1.000 ha trái dừa".
Tương tự đối với ngành dệt may, đơn hàng xuất khẩu tại các doanh nghiệp dồi dào hơn trong những tháng cuối năm. Công ty Dony cho biết, lượng hàng tồn kho của năm ngoái đã xuống mức cực thấp, nhiều đối tác từ các nước như Hoa Kỳ, Trung Đông và Đông Nam Á đã tăng đặt hàng trở lại.
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony chia sẻ: "Những tháng còn lại của năm nay, thậm chí đến tháng 2/2025 tại công ty đã có lượng đơn hàng trên 70% công suất. Với những đơn hàng đang tiếp tục đàm phán ký kết và đang thực hiện các công đoạn cuối, chắc chắn công ty sẽ hết công suất và có thể năm nay sẽ là một năm có kết quả vượt trội so với mong đợi".
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định: "44 tỷ là một kỳ vọng của năm 2024. Chúng ta đã cạnh tranh và đã đáp ứng được yêu cầu về giá, về thời gian giao hàng, về những đơn hàng sản xuất nhanh, mã hàng nhỏ, kết cấu mặt hàng phức tạp hơn".
Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7 đạt 54,7 điểm, mức cao nhất trong gần 6 năm qua. Số đơn hàng mới đã tăng tích cực tháng thứ 4 liên tiếp cho thấy, sản xuất và xuất khẩu đều đang trên đà khởi sắc.
EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất
Các hiệp định tự do thương mại thúc đẩy xuất khẩu
Để góp phần làm nên những gam màu tích cực trong bước tranh xuất khẩu, các chuyên gia nhận định, các chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là những nỗ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký, với những cánh cửa rộng mở, rào cản đã được gỡ bỏ.
Liên tục tiếp xúc với nhiều khách hàng mới để mở rộng thị trường- bên cạnh các thị trường truyền thống cũ. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng tìm cách tối đa hóa lợi ích của EVFTA khi đưa hàng vào thị trường châu Âu. Nhờ vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp cũng đã tăng mạnh.
Ông Nguyễn Diệp Phát - Phó Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm GC cho biết: "Mình hướng đến châu Âu, là thị trường đông dân, bởi vì những thị trường đó có sức tiêu thụ lớn, có thị hiếu tiêu thụ nha đam, thạch dừa".
Trong số những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, có thể nói hiệp định EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023.
Ông Jean – Jacques Bouflet - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nêu ý kiến: "EVFTA là một hiệp định mang tính bước ngoặt và đã trở thành chất xúc tác quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Từ góc độ của Việt Nam có thể thấy, EVFTA đã đem đến sự tăng trưởng cho xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam".
Không chỉ EVFTA, việc Việt Nam đã ký và triển khai 16 FTA tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp còn có nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu khi tận dụng tốt chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa C/O.
Ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc Kinh doanh Quốc tế- Công ty Cổ phần sữa Việt Nam nêu nhận định: "Chúng tôi tỷ lệ áp dụng được những C/O ưu đãi lên tới trên 50% lô hàng. Chúng tôi nghĩ đó là lợi thế và cũng là điều mà mình khai thác được các lợi thế mà Nhà nước đã hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung".
Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam mới tận dụng được 30% cơ hội đem lại từ các FTA. Vì vậy, vẫn còn dư địa lớn mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.
Với những trụ cột vững như xuất khẩu, một bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2024 đầy gam màu tươi sáng là điều dễ hình dung. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nhận định được nhiều định chế tài chính quốc tế đưa ra, dựa trên kết quả tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm cùng triển vọng tích cực trong nửa cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!