Bức tranh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều thách thức

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 17:34 GMT+7

Trong 5 tháng đầu năm, nền sản xuất phục hồi rõ nét.

VTV.vn - Nền kinh tế phục hồi tích cực, song nhiều doanh nghiệp "sức khỏe" vẫn yếu, trong khi đó cầu tiêu dùng chưa cao...đòi hỏi cần có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa.

Kinh tế phục hồi tương đối tích cực

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, nền kinh tế nước ta trong 5 tháng đầu năm 2024 có xu thế phục hồi tương đối tích cực trên diện rộng.

Bức tranh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Nền sản xuất phục hồi rõ nét.

Thể hiện rõ nhất là đa số những lĩnh vực quan trọng, là động lực đầu vào cho tăng trưởng đều có sự cải thiện rõ rệt. Đơn cử như nền sản xuất phục hồi rõ nét. Theo số liệu thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp ấm dần với gần 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 5 tháng qua, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới ra đời nhiều hơn số rút khỏi thị trường cho thấy sự đảo chiều, với niềm tin đầu tư gia tăng so với trước, cũng như chấm dứt sự e ngại về việc thiếu vốn đầu vào cho tăng trưởng.

Thêm vào đó, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính theo cán cân thương mại hàng hóa, nền kinh tế đã xuất siêu 8,01 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Ngoài ra có thể thấy, nền kinh tế khởi sắc khiến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam vẫn lớn. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn vốn đầu tư tăng trưởng góp phần tạo ra những năng lực sản xuất mới, bổ sung cho quy mô của nền kinh tế, từ đó tạo ra sức tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP), việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt.

Chưa nên vội mừng

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), về ổn định vĩ mô có thể thấy rằng, mặc dù lạm phát so với cùng kỳ trong tháng 5/2024 đạt 4,44% và lạm phát trung bình 5 tháng đầu năm 2024 đạt 4,03% là khá cao nhưng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc tăng giá dịch vụ nhà nước quản lý trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Nền kinh tế có xu hướng khởi sắc khi ghi nhận một loạt con số tăng trưởng nên trên. Tuy nhiên, chúng ta chưa vội mừng bởi ẩn sau bức tranh nhiều điểm sáng vẫn còn không ít hạn chế, rủi ro và thiếu bền vững. 

Quá trình phục hồi của nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trong 5 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt tới 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% và gần tương đương số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 98.800 doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng song lại ghi nhận giảm ở 8 địa phương cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các tình thành trên cả nước. 

Đây là thực tế đáng suy ngẫm. Một trong những nguyên nhân đưa ra là do tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà...

Bức tranh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều thách thức - Ảnh 4.

Xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều khó

Đáng chú ý, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng chỉ đạt mức 5,2% sau khi loại trừ yếu tố giá (thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 là 5,7%) cho thấy cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), về ổn định vĩ mô có thể thấy rằng, mặc dù lạm phát so với cùng kỳ trong tháng 5/2024 đạt 4,44% và lạm phát trung bình 5 tháng đầu năm 2024 đạt 4,03% là khá cao, nhưng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc tăng giá dịch vụ nhà nước quản lý trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. 

Trên thực tế, việc CPI trong năm tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 1,24% (trung bình 0,25%/tháng) cho thấy tốc độ tăng giá cả chỉ ở mức vừa phải. Điều này cũng được thể hiện qua việc lạm phát cơ bản so với cùng kỳ chỉ ở mức 2,78%. Với tốc độ tăng CPI trong tháng 4 và 5/2024 chỉ ở mức 0,07% và 0,05%, nhiều khả năng lạm phát trung bình cả năm sẽ chỉ ở mức 3 - 3,5%.

Đánh giá cụ thể về những cơ hội, khó khăn từ nay đến cuối năm, ông Độ phân tích rõ về hai đối tác thương mại lớn hàng đầu của nước ta là Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, ông cho rằng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc được IMF dự báo chỉ tăng trưởng 5% trong cả năm 2024. Ngoài ra, nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2024 vẫn chưa được loại trừ, khi lãi suất vẫn đang được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì ở mức cao. Đó là chưa kể Trung Quốc hiện nay đang ở trạng thái dư thừa công suất trong nhiều lĩnh vực.

"Các nhân tố này sẽ đặt ra rất nhiều thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản cho việc xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, từ đó chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ về lãi suất, thuế, phí, giãn nợ, trợ cấp thất nghiệp…để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì việc làm cho người lao động", ông Độ nhấn mạnh.

Cầu tiêu dùng còn yếu, làm sao để kinh tế có thể phục hồi như kỳ vọng?

Đáng chú ý, khi bàn về thách thức lớn cơ bản nhất đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế từ nay đến cuối năm 2024, theo các chuyên gia đó chính là cầu tiêu dùng còn yếu. 

Nhiều chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.

Ngoài ra, cần làm rõ những xu hướng, rào cản trong mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay.

Xét về kinh tế toàn cầu, các chuyên gia đều nhấn mạnh, trái với kỳ vọng về một thế giới phục hồi snamw 2024 tiếp tục là một năm đầy sóng gió đối với nền kinh tế thế giới do nhiều diễn biến chính trị phức tạp đi kèm với không ít nhân tố khó dự báo, bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nhiều tổ chức quốc tế phải hạ mức dự báo tăng trưởng, đồng thời đặt ra không ít vấn đề trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nền kinh tế trên thế giới, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bức tranh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều thách thức - Ảnh 6.

Cầu tiêu dùng còn yếu

Bối cảnh đó cũng dẫn đến một thực tế, sau giai đoạn tăng trưởng thấp 3 năm vừa qua, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn để đề phòng bất trắc. "Do đó, nhằm tăng thu nhập khả dụng cũng như chi tiêu dùng, Chính phủ và Quốc hội cần tính tới việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sớm khi áp dụng thuế thu nhập cá nhân, mặc dù CPI chưa tăng 20% theo quy định. Việc thúc đẩy tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, cải thiện cầu đầu tư và tín dụng", ông Độ cho hay.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, việc tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trước tiên là tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn về pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, thúc đẩy việc hoàn thiện các dự án dở dang, tăng doanh thu và khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp.

Song song với đó, nước ta cũng cần có các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn phát triển, bao gồm cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu. Việc huy động vốn mới, thậm chí cơ cấu nợ cũ, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay tương đối khó khăn do lòng tin của các nhà đầu tư bị sụt giảm. 

Tuy nhiên, các biện pháp tăng cường công khai, minh bạch về thông tin, định giá, các cơ chế bảo lãnh phát hành và thanh toán phù hợp có thể giúp thị trường này từng bước phục hồi. Phát hành cổ phiếu cũng là giải pháp tăng vốn cần thiết cho các doanh nghiệp bất động sản và Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua các chính sách giảm thuế, phí phù hợp./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước