Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm

VTV Digital-Thứ tư, ngày 31/07/2024 06:56 GMT+7

VTV.vn - Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 đạt gần 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu so sánh nền kinh tế Việt Nam như một dây chuyền sản xuất thì dây chuyền này đang vận hành không ngừng nghỉ và ngày càng tạo ra nhiều hàng hoá hơn. 7 tháng đầu năm, các lĩnh vực quan trọng như hoạt động của doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, FDI, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận xu hướng tích cực.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 đạt gần 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhập khẩu cũng đạt được những con số ấn tượng, khi tăng hơn 18%. Các doanh nghiệp Việt chủ yếu nhập khẩu hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất sẽ tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy 7 tháng năm nay, cả nước cũng có 139.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc cũng được phản ánh ngay vào con số thu ngân sách. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước bảy tháng ước đạt 1 triệu 188.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: "Nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp và người nộp thuế trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ đã tận dụng được gói hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ ban hành trong chính sách tài khoá".

Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là điểm sáng kinh tế của 7 tháng đầu năm, khi trong từng lĩnh vực đều ghi nhận sự đóng góp tích cực của ngành này. Mức biến động của chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp theo từng tháng trong 1 năm qua. Sau khi giảm vào đầu năm, chỉ số này đã dần lấy lại được phong độ, và kết thúc tháng 7 ở mức tăng 11,2% so với cách đây 1 năm. Sự tăng trưởng thể hiện qua câu chuyện của từng doanh nghiệp.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều động lực phục hồi sản xuất

Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh thành phía Nam đang có sự phục hồi mạnh.

Điểm sáng của tình hình sản xuất tại TP Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh thành phía Nam là sự phục hồi các thị trường xuất khẩu của một số nhóm ngành quan trọng. Như doanh nghiệp sản xuất da giày hiện đã kín đơn hàng đến hết năm. Nhờ từ trước doanh nghiệp đã có kế hoạch mở rộng các thị trường mới như thị trường Nam Mỹ, chứ không chỉ phụ thuộc các thị trường truyền thống như trước. Cứ 10 sản phẩm mà doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, thì có đến 3 là xuất đi các thị trường mới. Nhờ vậy, qua 7 tháng giá trị xuất khẩu của đơn vị tăng được 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho hay: "Do tình hình tiêu thụ của thế giới, sức mua đã có những chuyển biến, thị trường xuất khẩu đang là bức tranh sáng đối với những doanh nghiệp biết tận dụng. Đặc biệt là xu hướng đơn hàng đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường mới thì chúng ta phải tranh thủ cơ hội nắm bắt các đơn hàng này".

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, qua 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ. Được đánh giá là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo một số hiệp hội doanh nghiệp, dù khó khăn vẫn còn, nhưng đơn hàng sản xuất 7 tháng qua đã phục hồi và ổn định hơn đáng kể so với năm ngoái. Một số lĩnh vực chế biến rau quả, sản xuất nhựa, chế biến gỗ có sự khởi sắc rõ rệt. Các chuyên gia cho rằng hiệu quả của các chính sách tài khóa, tiền tệ có thể hỗ trợ tốt hơn cho ngành sản xuất trong thời gian tới.

"Khi hiệu quả của doanh nghiệp được gia tăng hơn, mức lãi suất hiện nay cũng về mức độ tương đối ổn định, thì tôi nghĩ cuối năm hoặc sang năm, những doanh nghiệp có đầu tư về công nghệ và thương mại điện tử sẽ trở thành 2 yếu tố tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng", ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết.

Theo giới chuyên gia, để đảm bảo sản xuất, các doanh nghiệp sẽ cần tính toán kĩ lưỡng nguồn cung lao động. Đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao để đáp ứng nhu cầu gia tăng giá trị sản phẩm của các ngành chế biến chế tạo.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất, trong 7 tháng đầu năm nay, khi chiếm đến hơn 70%. Nghĩa là trong hơn 18 tỷ USD chúng ta thu hút mới, thì có đến 12,6 tỷ đô là của ngành này.

Các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định sẽ tăng vốn cũng như mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tại Việt Nam. Ngày 30/7, tại Hà Nội, một sự kiện kết nối, giới thiệu các mô hình kinh doanh, dự án của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã diễn ra. Đa số các doanh nghiệp xuất hiện trong sự kiện đều là những doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, linh kiện điện tử.

Doanh nghiệp FDI Nhật Bản chú trọng đầu tư vào các công nghệ mới

Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự sự kiện do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Jetro tổ chức, trong đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo quan tâm nhiều nhất.

Tại văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Jetro, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự sự kiện. Theo số liệu của Jetro, 7 tháng đầu năm nay, Nhật Bản vẫn duy trì trong top 5 nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam. Trong đó thì công nghiệp chế biến chế tạo chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Công ty UMC Electronics của Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2006. Nhà máy của công ty được đặt ở tỉnh Hải Dương với số vốn 100 triệu đô la Mỹ, chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử công nghệ cao. Hiện, công ty đang có hơn 2.000 nhân công người Việt.

Ông Yoshikuni Taniguchi - Chủ tịch UMC Electronics Việt Nam cho biết: "Năm tới, chúng tôi dự định sẽ mở rộng quy mô nhà máy, ứng dụng thêm các công nghệ tự động hóa trong sản xuất. Hiện nay khách hàng của chúng tôi chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu sử dụng các sản phẩm của chúng tôi".

Còn với Yamamoto Metal, chuyên môn của công ty này là gia công cơ khí. Nửa cuối năm, công ty đang muốn đầu tư thêm cho lĩnh vực cung cấp giải pháp cơ khí cho các doanh nghiệp tiềm năng.

"Trong quá trình tìm hiểu, định hướng, chúng tôi nhận thấy cung cấp giải pháp cơ khí đang là 1 lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Năm nay chúng tôi đã đầu tư thêm gần 1 triệu đô la Mỹ cho việc phát triển lĩnh vực này", ông So Fukui - Giám đốc nhà máy Yamamoto Metal Precision Việt Nam chia sẻ.

Nửa đầu năm nay, do sự sụt giảm của đồng Yen, số lượng doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư mới vào Việt Nam có chậm lại. Nhưng theo đại diện Jetro, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Jetro Hà Nội cho biết: "Theo khảo sát của chúng tôi, 70% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cho biết họ đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của mình với những mô hình, hoạt động kinh doanh mới. Nửa đầu năm nay, đúng là số dự án cấp mới có giảm 20%, nhưng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm ở đây lại có xu hướng tăng lên".

7 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản đứng thứ 4 trong danh sách các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với 991,5 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm một nửa.

Để đo sức khỏe của ngành sản xuất thì chúng ta còn có thể dựa vào một chỉ khác nữa đó là chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI). Với PMI, mức 50 được coi là ngưỡng phân chia giữa sự mở rộng và sự thu hẹp của ngành sản xuất. Trong tháng 6 vừa qua thì PMI ngành sản xuất của Việt Nam đạt 54,7 điểm cao hơn nhiều so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Những con số này cho chúng ta một tín hiệu tích cực về sự vững vàng của ngành sản xuất, một trong những ngành xương sống của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước