Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm nhiều điểm sáng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/05/2024 21:23 GMT+7

VTV.vn - Nhiều điểm sáng đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế của nước ta, tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay.

Kinh tế 5 tháng tiếp tục phục hồi tích cực

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng qua của nước ta vẫn duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Đây là những thông tin trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tính chung 5 tháng năm 2024 ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến - chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến nay, qua đó góp phần đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng qua tăng cao cả về số dự án và số vốn đầu tư.

Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm nhiều điểm sáng - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Hoạt động dịch vụ trong 5 tháng qua diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7%, trong đó tăng mạnh nhất là doanh thu du lịch lữ hành.

Ngành du lịch đã cho thấy sự bứt phá khi đón gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước và vượt cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể hiện thực mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường từ đầu năm đến nay đạt hơn 98,8 nghìn doanh nghiệp, tăng so với cùng kỳ năm trước và cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xuất nhập khẩu phục hồi bền vững

Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi, thì năng lực sản xuất được cải thiện và từ đó tạo lực đẩy cho xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 8 tỷ USD. Điều này cho thấy những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và nền kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới phục hồi chậm.

Tập đoàn Sunhouse cho biết, nhà máy vừa lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tử để đáp ứng các đơn hàng mới. Chỉ từ 40.000 sản phẩm được xuất khẩu năm ngoái, năm nay lượng đặt hàng linh kiện điện tử đã tăng cao nhờ có thêm được các thị trường xuất khẩu mới.

Ông Vũ Kim Tuấn - Giám đốc Bán hàng Quốc tế Tập đoàn Sunhouse cho biết: "Năm nay chúng tôi đã ký đơn hàng tầm 8 triệu sản phẩm 1 năm, tức tăng 200 lần. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết".

Các sản phẩm linh kiện điện tử nằm trong nhóm tăng trưởng xuất khẩu dẫn đầu năm nay với mức tăng trưởng khoảng 34%. Bên cạnh đó sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, giày dép cũng đã tăng trưởng ấn tượng.

5 tháng qua, nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 148 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 94% là nhóm hàng nguyên vật liệu, thiết bị do các doanh nghiệp nhập khẩu về phục vụ sản xuất.

Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm nhiều điểm sáng - Ảnh 2.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.

Nhà máy Xe đạp Thống Nhất cho biết, đơn hàng trong nước tăng 25 - 30% so với cùng kỳ năm trước, lại có thêm hợp đồng xuất khẩu mới sang Mỹ nên đã tăng tốc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu.

"Năm nay chúng tôi đã đầu tư các thiết bị như máy cắt laser cho các ống thép. Một máy cắt thay được 3 máy thủ công khác", ông Vũ Văn Tuấn - Giám đốc Nhà máy Xe đạp Thống Nhất cho hay.

Nếu như hết quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 15% so với cùng kỳ thì hết tháng 5, tốc độ này đã cao hơn khi đạt 16,6%. Dự báo năm nay, thương mại hàng hoá quốc tế khởi sắc sẽ có tác động tích cực đến sản xuất hàng xuất khẩu trong nước.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: "Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 có khả năng vượt mốc kỷ lục của năm 2022 là 372 tỷ USD".

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng cao

Cùng với xuất khẩu tích cực, tiêu dùng phục hồi thì phải kể đến một động lực tăng trưởng tích cực khác trong 5 tháng qua đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 11 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm quan trọng nữa, đó là số vốn đầu tư thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 5 tháng qua đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Kết quả này khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ dồi dào cho nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đón nhiều vốn nhất, tiếp theo là Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên. 10 địa phương này đã chiếm gần 75% số dự án mới và số vốn đầu tư của cả nước.

Cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư. Vốn đầu tư nước ngoài đang tập trung nhiều vào các địa phương có 4 yếu tố này. Đây được coi là những lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư.

Nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua đã chủ động và tích chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư như mặt bằng đất sạch, nguồn nhân lực, năng lượng tái tạo, cải cách thủ tục hành chính…

Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao các chỉ số về cải cách thì có gắn với yếu tố đó là biến thành văn hoá phục vụ của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh".

"Bộ KH-ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội về việc hoàn thành các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương. Trên cơ sở đó thì các địa phương cũng đang có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư", ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT thông tin.

Công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua cũng đã đổi mới theo hướng có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời thành lập Tổ công tác chuyên biệt để hỗ trợ các dự án lớn.

Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm nhiều điểm sáng - Ảnh 3.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 11 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

Nhiều tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế lớn gần đây dự báo tăng trưởng GDP quý II và năm nay của Việt Nam sẽ thuộc nhóm "Quốc gia tăng trưởng nhanh nhất", qua đó đóng góp cho tăng trưởng chung của khu vực châu Á.

Bà Yun Liu - Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC đánh giá: "Các báo cáo cập nhật gần đây cho thấy nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng như bán dẫn… đang được đầu tư mới và mở rộng. Các đơn hàng điện, điện tử phục hồi ghi nhận ở Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều biến số về xuất khẩu cần phải chuẩn bị trong nửa cuối năm".

"Việt Nam đang tham gia vào nhiều công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn rộng hơn đó là nhờ vị thế của Việt Nam khi đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và đa phương với nhiều quốc gia, khu vực. Trong dài hạn, nền kinh tế cần chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững hơn nữa. Đây sẽ là bài toán đặt ra để nâng cao khả năng thích ứng với những tiêu chuẩn mới của nhiều thị trường", ông Shai Ganu - Thành viên Hội đồng Chuyên gia, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định.

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song không thể phủ nhận vẫn có một số kết quả chưa được như kỳ vọng. Sản xuất công nghiệp tại một số địa phương trọng điểm tăng chậm. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, thiếu nước. Khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp còn hạn chế. Chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trước tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả năm nay, trong các chỉ đạo gần đây, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: Chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát để tiếp tục điều hành hài hòa, đồng bộ, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước